Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé 13 tuổi bị vẹo cột sống

Cột sống cong bất thường khiến trẻ đau mỏi lưng nhiều, cúi, ngửa khó khăn, vận động hạn chế.

Qua chụp chiếu và kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cột sống của bệnh nhi N.T.N.B. (13 tuổi) bị gù vẹo, biến dạng nặng góc 50 độ. Bệnh nhi được phát hiện có cột sống cong bất thường từ lâu nhưng thời gian gần đây, các triệu chứng dần nặng hơn buộc gia đình đưa trẻ đi khám.

Các bác sĩ đánh giá B. đang trong độ tuổi phát triển nhanh nhất của giai đoạn dậy thì. Do đó, nếu tiếp tục trì hoãn điều trị, cột sống của trẻ sẽ gù vẹo trầm trọng hơn, ảnh hưởng sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày cũng như tâm lý.

Do đó, các bác sĩ và gia đình đã thống nhất cho B. phẫu thuật nắn chỉnh cột sống, khôi phục hình dạng ban đầu. Sau 4 giờ, ca phẫu thuật diễn ra thành công, cột sống của B. được nắn chỉnh bằng hệ thống nẹp vít qua cuống và dụng cụ chuyên dụng.

Bệnh nhi đang trong quá trình hồi phục và không bị tổn thương về thần kinh. Dự kiến, B. có thể tập luyện phục hồi chức năng sau 2-3 ngày tới.

nan chinh veo cot song anh 1

Các bác sĩ phẫu thuật nắn chỉnh, gù vẹo cột sống cho bệnh nhi B. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, ngoài thẩm mỹ, tình trạng gù vẹo cột sống không được điều trị kịp thời còn ảnh hưởng tới chức năng của tim, phổi cũng như các tạng trong ổ bụng. Do đó, việc nắn chỉnh cột sống thành công sẽ giúp bệnh nhi cải thiện lớn chất lượng cuộc sống trong tương lai.

Tình trạng gù vẹo cột sống đang dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đều đến điều trị trong tình trạng muộn, để lại những ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý.

"Thời gian qua, chúng tôi phát hiện khoảng 20 trường hợp gù vẹo cột sống ở các mức độ khác nhau. Thông qua thăm khám và chụp chiếu, chúng tôi sẽ lựa chọn phương án điều trị phù hợp và theo dõi xuyên suốt quá trình tiến triển để thay đổi phác đồ", bác sĩ Dũng nói.

Gù vẹo cột sống là bệnh lý thường gặp ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Bệnh ở trẻ em thường do tự phát, xuất hiện khi trẻ bắt đầu vào giai đoạn dậy thì. Một số nguyên nhân khác là di truyền, dị tật cột sống bẩm sinh hoặc tư thế ngồi không đúng, mang vác quá nặng, kích thước bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi...

Các bác sĩ khuyến cáo gia đình khi phát hiện những thay đổi bất thường trong hình dáng, cột sống của con nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị.

Nếu phát hiện sớm, trẻ có thể được điều trị bảo tồn như thay đổi tư thế ngồi, tích cực vận động, chơi thể thao, mặc áo nẹp chỉnh hình..., từ đó ngăn vẹo diễn biến nặng, dẫn đến những ca phẫu thuật không đáng có và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Bé trai bị bỏng nặng do nghịch cồn

Theo thông tin từ gia đình, bé trai xem hướng dẫn trên mạng và mua cồn về đốt thử.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm