Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé 2 tuổi phát sốt vì bị ve chó tấn công

Sau khi bị ve đốt, tay cháu L. có biểu hiện sưng tấy và bé thường xuyên bỏ ăn, đau ở vùng bị ve cắn.

Bé 2 tuổi bị ve chó đốt

Mới đây, PGS Nguyễn Văn Châu, Viện sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương vừa điều trị cho cháu Ngô Hoàng L. 2 tuổi tại Thanh Xuân, Hà Nội bị ve chó đốt.

Theo người nhà của cháu L., gia đình có nuôi chó và cháu thường xuyên chơi với chú chó này. Khi thấy cháu có một vết đốt ở tay, bố mẹ cháu bé tưởng con bị muỗi độc đốt nhưng càng ngày vết đốt vẫn sưng và đau, bé bị sốt. Khi đến khám, bác sĩ đã tiến hành kiểm tra cho biết đây là vết đốt của ve chó. Gia đình cháu L. đã bắt được con ve gửi cho bác sĩ. PGS Châu cho biết các con ve này sẽ được bác sĩ kiểm tra, xét nghiệm xem cụ thể là loại ve gì. 

Hiện nay, ở nước ta có nhiều nhất là loài ve R. sanguineus, phân bố rộng trên toàn quốc. Đây là loài ngoại ký sinh hút máu động vật, vật chủ chính là chó và một số động vật nuôi khác như mèo, cừu, bò, ngựa, lạc đà. Ngoài ra còn thấy ký sinh trên một số động vật hoang dã như thỏ rừng, tê tê, báo, sơn dương, lợn rừng… Đặc biệt loài này cũng hút máu người.

Hình ảnh con ve đốt trên da.

Hình ảnh con ve đốt trên da.

Độc tố do ve đốt theo tuyến nước bọt vào người có thể gây viêm tấy tại chỗ hoặc hội chứng liệt sau 5-7 ngày ảnh hưởng đến khả năng nói, nuốt và thở. Bệnh này nguy hiểm nhất đối với trẻ em dưới 2 tuổi. Để phòng tránh ve chó, cần sử dụng hóa chất phun tồn lưu trong nhà hoặc các nơi chó thường nằm để diệt ve. Có thể sử dụng màn tẩm hóa chất để chống ve đốt khi ngủ. Cần quản lý vật nuôi và hạn chế tiếp xúc với ổ ve.

Khi bị ve đốt cần lấy ve ra khỏi vị trí đốt thật cẩn thận, càng sớm càng tốt, bằng cách dùng kẹp kéo từ từ để không làm đứt phần phụ miệng bám vào cơ thể vì chúng có thể gây dị ứng và viêm nhiễm trùng kéo dài. Cũng có thể sử dụng đầu kim nóng chạm vào ve hoặc chất gây mê như chloroform để ve nhả miệng ra.

Cả nhà nhiễm giun móc chó

Trường hợp của bệnh nhân Vũ Thị B. trú tại Hoài Đức, Hà Nội cũng tương tự. Nhà bà B. nuôi rất nhiều chó mèo. Do có thói quen cho mèo và chó đi vệ sinh ở vườn rau nên khi phân chó mèo thải phân ra, bà B. đã dùng tay tiếp xúc với đất trồng rau khiến các thành viên trong gia đình lần lượt mắc các bệnh giun móc chó mèo. Khốn khổ nhất là cháu nhỏ trong nhà cũng bị chứng giun bò ở da như thế này.

Hình ảnh ấu trùng giun dưới da.

Hình ảnh ấu trùng giun dưới da.

Bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương khám trực tiếp cho bà B. cho biết bà bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với đất, cát ở ngoại cảnh của môi trường sống bị ô nhiễm phân chó, mèo có ấu trùng giai đoạn lây nhiễm được (larva filariform). 

Đường đi của ấu trùng giun chui qua da, thường ở vùng da tay, da chân và di chuyển ở mô dưới da. Bệnh thường gặp ở những người làm vườn, trẻ em chơi nghịch đất cát, người đi chơi ngồi ở các bãi biển... 

Ấu trùng giun có thể tồn tại nhiều tuần, có khi kéo dài hàng tháng. Trong một số các trường hợp, ấu trùng giun có khả năng thoát ra thành mạch máu, lên phổi gây hội chứng Loeffler.

Chẩn đoán xác định bệnh thường căn cứ vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ và dấu hiệu dị ứng toàn thân. Sinh thiết da cho thấy những u hạt chứa nhiều tế bào bạch cầu đa nhân ái toan, có thể gặp được ấu trùng nằm giữa u hạt. Xét nghiệm bạch cầu đa nhân ái toan trong máu có thể tăng nhưng không đều.

Để ngừa bệnh giun sán từ vật nuôi, các bác sĩ khuyến cáo cần tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng đặc biệt là các chủ nuôi chó, mèo; bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó mèo.

Về vệ sinh phòng dịch, cần vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch hoặc thịt chó, mèo chưa nấu chín.

http://infonet.vn/be-2-tuoi-phat-sot-vi-bi-ve-cho-tan-cong-post152259.info

Theo Phúc Mai/ Infonet

Bạn có thể quan tâm