Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé gái 3 tháng tuổi xuất huyết tiêu hóa do nhiễm giun

Trước khi nhập viện, bệnh nhi có tình trạng sốt, tiêu lỏng, phân đen liên tiếp 2-3 lần trong vòng 2 ngày.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), vừa qua, cơ sở y tế này đã tiếp nhận bé gái D.T.M.T. (3 tháng tuổi, trú tại Kiên Giang) từ một bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm ruột nhiễm trùng.

Trước đó, trẻ sốt, tiêu lỏng, phân đen 2-3 lần trong 2 ngày. Sau khi đi khám tại một cơ sở y tế tư nhân, bệnh nhi được chẩn đoán bị tiêu chảy nhiễm trùng và điều trị trong vòng 8 ngày.

Sau thời gian này, trẻ hết sốt nhưng tình trạng đi cầu phân đen, lỏng 3-4 lần/ngày vẫn tiếp diễn. Gia đình thấy bé có biểu hiện da và môi tái nhợt nên đã đưa con đến khám tại bệnh viện của huyện. Trẻ tiếp tục được sơ cứu và chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh.

xuat huyet tieu hoa vi nhiem giun anh 1

Hình ảnh nội soi cho thấy trẻ bị nhiễm giun trong đường tiêu hóa. Ảnh: BVCC.

Tại đây, trẻ được chẩn đoán viêm ruột nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, phải điều trị thêm 7 ngày với kháng sinh, truyền hồng cầu lắng.

Tuy nhiên, tình trạng tiêu phân đen vẫn còn. Trẻ nôn vài lần ra dịch xanh nên đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố trong tình trạng sốc mạch nhanh (168 lần/phút), nhẹ, chân tay lạnh, huyết áp khó đo, bụng mềm chướng, da xanh tái, nhợt nhạt.

Sau khi hội chẩn toàn viện, bé T. được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa dưới kéo dài, chưa loại trừ do viêm túi thừa meckel, đề nghị nội soi tiêu hóa, ổ bụng thám sát.

Kết quả cho thấy nhiều khu vực bị sung huyết, viêm phù nề và nhiễm giun.

Trẻ được chuyển tới khoa Hồi sức Ngoại để tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, truyền máu cùng các chế phẩm máu, sử dụng kháng sinh, vitamin K1 và thuốc xổ giun.

May mắn, sau hơn một tuần điều trị, bé T. tỉnh tảo, hồng hào trở lại, tình trạng xuất huyết tiêu hóa chấm dứt. Bệnh nhi được cai máy thở và có thể bú ở mức khá.

Đáng chú ý, qua khai thác về cách nuôi dưỡng trẻ, bé T. được cho bù sữa bằng nước sông lắng phèn, không qua đun sôi. Do đó, các bác sĩ nghi ngờ trứng giun đã xâm nhập vào cơ thể bé từ đây.

Thông qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý chăm sóc con kỹ lưỡng, ăn chín, uống sôi, rửa tay khi chế biến thức ăn, vệ sinh… qua đó đảm bảo trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng…

Cách phòng ngừa tình trạng nhiễm giun

Nhiễm giun là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, nhất là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, mỗi người có thể phòng ngừa bằng cách ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm