Trẻ bị sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết tối cấp do não mô cầu, được điều trị tích cực thở máy, chống sốc, kháng sinh. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bệnh nhi là bé gái H.N.K., 6 tuổi, ngụ Tây Ninh, bị sốt cao 2 ngày liên tục, đau nhức khắp người, đau bụng, nổi ban khắp người.
Bệnh nhi nhập bệnh viện tại Tây Ninh, được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, điều trị kháng sinh Ceftriaxone, sau đó chuyển đến TP.HCM.
Khi nhập viện, trẻ lừ đừ, môi tái, tay chân mát, huyết áp tụt còn 66/40 mmHg, họng đỏ và xuất huyết toàn thân dạng chấm. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc nhiễm trùng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết tối cấp do não mô cầu. Bệnh nhi được chỉ định làm các xét nghiệm lâm sàng, kết quả cho thấy bạch cầu tăng cao.
Ngay sau đó, trẻ được đưa vào phòng cách ly, đặt nội khí quản, thở máy, truyền dịch chống sốc và dùng kháng sinh phổ rộng kèm an thần. Song song, các bác sĩ lấy dịch não tuỷ xét nghiệm, cho ra tác nhân gây nhiễm khuẩn huyết là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis (còn gọi là Meningococcus).
Mẫu được gửi đến Viện Pasteur TP.HCM tiếp tục thực hiện PCR phân tích, xác định được não mô cầu nhóm B. Theo bác sĩ Tiến, type này ít gặp hơn so với type huyết thanh A, C, Y, W135.
Sau gần 2 tuần điều trị, trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, cai được máy thở, hết sốt.
Trường hợp này đã được bệnh viện thông báo đến Sở Y tế TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM, cơ quan y tế tỉnh, địa phương nơi trẻ sinh sống để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra.
Đến thời điểm này, vi khuẩn não mô cầu được phát hiện có 13 chủng, nhưng ở Việt Nam nguy hiểm và phổ biến nhất là 5 chủng A, B, C, Y, W135.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm phòng vaccin phòng bệnh cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, tùy theo loại vaccin.
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Khi hơi thở hóa thinh không
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y