Theo lời mẹ bé Trang, gần đây con gái chị có nhiều biểu hiện lạ thường xuyên đưa tay gãi ở chỗ kín, đêm ngủ hay trằn trọc. Khi giặt đồ cho con, chị phát hiện thấy có nhiều dịch vàng đục dính ở quần nhỏ của bé.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, bé Trang được các bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm để loại trừ khả năng trẻ mắc các bệnh lý viêm nhiễm, dị dạng bộ phận tiết niệu sinh dục. Khi soi phân của trẻ, các bác sĩ nhận thấy có nhiều trứng giun.
Theo TS.BS Phạm Thu Hiền, khoa Điều trị tự Nguyện A, bệnh giun kim gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biên nhất là trẻ em. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác và tái nhiễm nhiều lần do vệ sinh kém.
Ở một số bé gái mắc bệnh, giun có thể theo phân từ hậu môn chui vào âm đạo gây viêm nhiễm. “Tại phòng khám, tình trạng trẻ gái mắc bệnh viêm vùng kín do giun kim không phải là hiếm gặp. Nhiều bà mẹ biết con mắc giun, nhưng tẩy giun cho trẻ không đúng cách, không đủ liều nên hay tái nhiễm.
Các mẹ chỉ đưa con đi khám khi bé đã có nhiều biểu hiện viêm nhiễm phụ khoa nghiêm trọng như âm hộ đỏ, đau, có mùi hôi, dịch tiết âm đạo bất thường, trẻ đau khi đi tiểu…”, TS Hiền cho biết.
Đây là một loại giun nhỏ, sống chủ yếu ở đường tiêu hóa. Giun kim cái thường ra rìa hậu môn để đẻ trứng, vì vậy, chúng sẽ kích thích niêm mạc hậu môn gây ngứa, sưng tấy làm cho trẻ rất khó chịu. Loại giun này sinh sôi rất nhanh, chỉ sau vài giờ. Nếu gặp điều kiện thuận lợi thì ấu trùng của giun kim cũng được hình thành tại các nếp nhăn của hậu môn. Trẻ có giun kim đang đẻ ở hậu môn rất dễ bị nhiễm lại (tái nhiễm), nhất là trẻ nhỏ do dùng tay gãi rồi cầm vào đũa, bát, dụng cụ ăn, uống hoặc thức ăn, đồ uống hoặc mút tay.
TS Hiền cho biết, ngoài yếu tố về khí hậu, môi trường sống thì nguyên nhân quan trọng nhất khiến trẻ mắc giun kim là do kiến thức thực hành vệ sinh còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, tại nhiều nơi nhất là các vùng nông thôn, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ nhiễm giun ở trẻ em còn cao do trẻ thường xuyên tiếp xúc với đất và bụi bẩn, hay ngồi dưới đất, hay mút tay, ngậm đồ chơi, vật lạ vào miệng.
Trẻ ít rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi với chó, mèo trong nhà, cầm nắm đồ ăn khi tay bẩn, không đi giày dép, luôn để chân tiếp xúc trực tiếp với đất. Đó là những nguyên nhân khiến trẻ không chỉ bị nhiễm giun kim mà còn nhiều loại giun khác như giun đũa, giun móc…
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng mắc giun kim ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của trẻ vì các bé thường có biểu hiện ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu, ngủ không yên giấc, suy nhược thần kinh hay nghiến răng và đái dầm.
Để phòng bênh, gia đình cần tẩy giun định kỳ cho cả gia đình, đặc biệt là trẻ em 6 tháng/lần, giữ gìn vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, mỗi khi tay bị bẩn, sau khi chơi đùa; các loại hoa quả phải được rửa sạch trước khi ăn.
Cha mẹ cần giúp bé rửa tay sạch, cắt móng tay thường xuyên, cần mang giày dép khi ra ngoài đất, không ngồi lê trên đất, không đại tiện, phóng uế bừa bãi. Xử lý các chất thải, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.