Đó là trường hợp bé N.G.L. (nữ, 55 tháng tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bé được gia đình nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và phát hiện dị vật cản quang ở vùng cổ.
Bà N.T.H., mẹ của bé L., cho biết gia đình dùng rây bằng inox để lọc xương lươn nấu cháo. Sau khi các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng và khoa Gây mê hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định nội soi gắp dị vật do nguy cơ xuyên thành thực quản cao. Qua đó, ê-kíp đã gắp thành công một sợi kim loại dài 3 cm khỏi thực quản bệnh nhi.
Sợi kim loại dài 3 cm được lấy ra khỏi thực quản bệnh nhi. Ảnh: BVCC. |
Trước đó, khoa Tiêu hóa cũng tiếp nhận bé N.A.T. (8 tháng tuổi, trú tại xã Định Tân, huyện Yên Định, Thanh Hóa) có biểu hiện quấy khóc, không bú được và suy hô hấp. Kết quả thăm khám và chụp X-quang cho thấy bé có vật cản quang hình tròn ở thực quản.
Bé T. được chỉ định gắp dị vật và lấy ra một chiếc nhẫn kim loại hình tròn. Sau thủ thuật, sức khỏe các bệnh nhi đều ổn định và được xuất viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Vân Anh, Trưởng khoa Tiêu hóa, cho biết dị vật đường tiêu hóa là một dạng cấp cứu, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi với nhiều nguyên nhân khi trẻ vô tình hoặc cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, chơi đồ chơi...
Vị chuyên gia này khuyến cáo những dị vật hình thù sắc nhọn có thể gây rách ống tiêu hóa, chảy máu, nhiễm khuẩn. Do đó, với trẻ nhỏ, cha mẹ nên chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, lấy hết xương ra khỏi món ăn. Bên cạnh đó, chúng ta nên tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ, không để trẻ ngậm vật nhỏ ở miệng, đồng thời chọn đồ chơi an toàn.
"Khi phát hiện bị mắc dị vật, cha mẹ phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế. Tuyệt đối không dùng các bài thuốc nam hoặc mẹo vặt để xử lý vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ", thạc sĩ Vân Anh chia sẻ thêm.