Ngày 27/4, theo thông tin từ Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), bệnh nhi là bé S.V.P. (15 ngày tuổi, ngụ tại Lai Châu). Bé P. nhập viện ngày 2/4 trong tình trạng nhiễm trùng huyết, hoại tử phần mềm vùng lưng.
Gia đình cho biết khi P. 3 ngày tuổi, người nhà nặn mụn nhọt sau lưng cho bé bằng kim khâu quần áo. Một ngày sau, vết mụn xuất hiện viêm, tấy đỏ và lan rộng dần. Đến ngày thứ 7, phần da vùng lưng có dấu hiệu hoại tử.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được chẩn đoán nhiễm trùng huyết, tổn thương hoại tử da lan rộng, vùng lưng chảy nhiều dịch mủ.
Bệnh nhi được nhân viên y tế chăm sóc, theo dõi sát tại Trung tâm Sơ sinh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Bệnh nhi được điều trị bằng kháng sinh, rửa vết thương, chiếu tia plasma lạnh hàng ngày nhưng da vùng lưng tiếp tục hoại tử lan rộng. Ngày 13/4, các bác sĩ chỉ định mổ cắt lọc tổ chức hoại tử.
Hơn một tuần sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định hơn, vết thương khô. Tuy nhiên, bé cần được tiếp tục theo dõi, điều trị và chăm sóc vết thương.
"Đây là trường hợp viêm mủ phần mềm nặng dẫn đến nhiễm khuẩn huyết do người nhà tự xử lý các tổn thương da và đưa trẻ đến bệnh viện muộn khi tổn thương lan rộng", bác sĩ Hà cho hay.
Giám đốc Trung tâm Sơ sinh nhấn mạnh mụn mủ trên da thường do tụ cầu gây ra, cần được khám và dùng kháng sinh phù hợp. Việc xử lý vết thương tại nhà có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng máu, nguy hiểm tính mạng của trẻ.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có mụn mủ trên da, phụ huynh nên đưa con đi khám để được tư vấn và xử trí kịp thời. Người lớn tuyệt đối không tự ý nặn mụn, nhọt hoặc dùng các loại cao dán, lá cây đắp lên da. Điều này dễ gây viêm loét rộng, nhiễm trùng máu, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.