Sự việc xảy ra tại Trường trung cấp Bách khoa Bình Dương (Bình Dương). Trao đổi với phóng viên, ông Mai Anh Nguyệt - Hiệu trưởng trường Trung cấp Bách khoa Bình Dương - cho biết, trường đã đề xuất với Bộ GD&ĐT về việc xin phôi bằng mới cấp lại.
Tấm bằng tốt nghiệp bị sai lỗi chính tả mà các sinh viên nhận từ Trường trung cấp Bách khoa Bình Dương - Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Tuy nhiên, thông tư của Bộ GD&ĐT quy định bằng đã phát rồi thì không cấp lại. Ông Nguyệt cho rằng, trường cũng muốn cấp lại bằng mới cho sinh viên, nhưng phôi bằng do bộ cấp nên nhà trường không có phôi bằng để cấp bằng mới cho sinh viên.
“Chúng tôi hiện cũng bế tắc vì bộ chưa đồng ý cấp lại phôi bằng mới cho trường. Trường đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, tuy nhiên chưa có văn bản trả lời chính thức mà chỉ có thông báo miệng chờ sửa đổi thông tư về quy chế văn bằng chứng chỉ” - ông Nguyệt nói.
Ông Nguyệt cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu đi xin việc cho sinh viên, trường đã cấp năm bộ bản sao bằng tốt nghiệp có giá trị như bản chính, kèm theo quyết định điều chỉnh cho sinh viên.
Nhiều sinh viên đồng ý với cách này và đã xin việc. Và trường cũng đã liên hệ với các phòng công chứng ở Biên Hòa (Đồng Nai) và Thủ Đức (TP HCM), các phòng công chứng này cho biết sẵn sàng công chứng đối với các bằng trường đã cấp.
Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn không đồng ý với cách làm trên của ông Nguyệt. Các sinh viên cho rằng, đó chỉ là giải pháp tình thế, về sau nếu hết bản sao và quyết định điều chỉnh thì không biết giải quyết thế nào, ở đâu và mỗi lần đi lại là thêm khó khăn.“Đây là lỗi của trường, biết bao nhiêu tiền của, công sức chúng tôi đổ vào đây nhưng kết quả nhận được thì thất vọng vô cùng. Chúng tôi chỉ muốn giải quyết dứt điểm vấn đề là nhận lại tấm bằng gốc. Đó là thành quả học tập của chúng tôi, chứ không thể cầm trên tay những bản sao được” - anh H., một trong những sinh viên nhận tấm bằng sai chính tả của trường, cho hay.
Trước đó, gần trăm sinh viên ngành dược của trường Trung cấp Bách khoa Bình Dương chi nhánh tại Đồng Nai lao đao vì bằng tốt nghiệp viết sai chính tả ở phần tiếng Anh.
Theo đó, ở phần tiếng Anh thay vì viết chữ “Pharmacy” thì trên tấm bằng lại viết thành chữ “Farmacy”. Việc này đã khiến sinh viên khi nhận được bằng phải lao đao, không xin được việc vì các doanh nghiệp, tiệm thuốc không chấp nhận.