Hình ảnh X-quang ngực của trẻ lúc nhập viện cho thấy tình tổn thương phổi. Ảnh: BVCC. |
Ngày 9/11, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bệnh nhi là bé trái Ng.G.B. (hơn 1 tuổi, Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái.
Theo lời kể của người nhà, vài tiếng trước khi nhập viện, trẻ ở trong nhà chơi với bình dầu hương liệu dùng để thắp đèn. Tuy nhiên, bình dầu này mở nắp sẵn do người nhà quên đóng, còn khoảng 100 ml dầu trong bình.
Trong lúc chơi, trẻ cầm bình đưa vào miệng uống rồi ho sặc sụa, tím tái, trên áo dính đầy dầu hương liệu. May mắn, người nhà phát hiện, lập tức đưa trẻ đến bệnh viện địa phương sơ cứu và chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
Tại đây, trẻ có biểu hiện khó thở tím tái, thở rút lõm ngực nặng, nhịp tim 180 - 200 lần/phút. Bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở, cho trẻ dùng kháng sinh, dịch truyền, điều chỉnh điện giải toan kiềm, an thần, dãn cơ, đặt ống thông dạ dày dẫn lưu hóa chất còn sót lại trong đường tiêu hóa ra ngoài.
Sau một tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo, bú khá.
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh để thuốc và hóa chất xa tầm với trẻ hoặc cất trong các tủ có khóa, tránh cho trẻ tiếp cận, gây hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, những tai nạn bỏng, hóc dị vật, ngộ độc thực phẩm, pháo nổ, té ngã, điện giật, tai nạn giao thông đều có thể xảy ra với trẻ. Vì vậy, phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần theo sát trẻ ở độ tuổi còn quá nhỏ, thêm nữa cần biết cách sơ cứu trong những trường hợp khẩn cấp.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.