Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé trai 25 tháng tuổi bị nhiễm độc da khiến toàn thân bị bong tróc

Ngoài bong tróc da toàn thân, bé L. còn bị nhiễm trùng huyết, suy tạng, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa. Bác sĩ nghi ngờ bé bị nhiễm độc da do dị ứng thuốc.

Theo người nhà của bé P.T.T.L. (25 tháng, ngụ tỉnh Đồng Tháp), từ lúc bé được sinh ra thì thường xuyên bị bệnh sốt, sổ mũi. Mỗi lần bé bị bệnh, gia đình đều tự mua thuốc để điều trị.

Đầu tháng 2, bé L. lại bị sốt liên tục. Như những lần trước, cha mẹ bé chở bé đi khám và mua thuốc của bác sĩ tư. Hai ngày đầu uống thuốc, bé L. giảm sốt nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại. Đến ngày thứ 3, bệnh của bé bỗng trở nặng, uống thuốc vào, bé L. không chỉ vẫn còn sốt cao mà những nốt ban đỏ nổi nhiều ở mặt, tay.

Lúc này, người nhà mới đưa bé đến bệnh viện tỉnh để khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé L. bị bệnh Kawasaki (viêm mạch máu ngoại biên), kèm theo tổn thương tim. Bé được nhập viện để theo dõi. Sau đó bé L. có dấu hiệu bị nhiễm trùng huyết nặng. Ngày 13/2, bé được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp tục điều trị.

Be trai 25 thang tuoi bi nhiem doc da anh 1
Hiện sang thương của bé L. đã được khống chế, sức khỏe bé đang tiến triển khá tốt.

Theo bác sĩ Trần Bích Thủy, bác sĩ khoa Phỏng - Tạo hình của bệnh viện Nhi Đồng 1, khi bé L. được chuyển đến cũng là lúc bệnh của bé chuyển biến khá nhanh. Khó khăn nhất của các bác sĩ là sang thương của bé L. diễn ra liên tục và ngày càng nặng nề hơn.

Bé sốt cao, niêm mạc mắt bị bong tróc, môi và da toàn thân bị sang thương nặng, bong da toàn thân đến bật máu. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị suy đa tạng do vi trùng tấn công, dẫn đến tổn thương gan, thận, xuất huyết tiêu hóa, sốc nhiễm trùng, xuất huyết phổi suy hô hấp phải đặt nội khí quản.

Khi da bị bong tróc, vi khuẩn viêm nấm và ký sinh trùng đã tấn công vào máu, khiến bé bị sốc nhiễm nấm, sốc nhiễm trùng huyết. Sinh mạng được tính bằng giờ. Trước các triệu chứng trên, các bác sĩ tại khoa nghi ngờ bé L. có thể bị trúng độc da do dị ứng thuốc mà gia đình cho bé uống trước đó.

Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé L. bị hội chứng Lyell, một hội chứng khiến da bị bóc tách khắp người, nội tạng tổn thương, xuất huyết rất nặng. Các bác sĩ lập tức truyền miễn dịch, kháng sinh liên tục để hạn chế tiến triển bệnh.

Tiếp theo đó, bác sĩ phải vừa điều trị vừa theo dõi sức khỏe bé L. thật chặt chẽ, để sớm phát hiện và xử lý kịp thời nhất.

Be trai 25 thang tuoi bi nhiem doc da anh 2
Bé L. còn nhỏ nên rất sợ người lạ. Trước những lần bác sĩ Thủy khám bệnh cho bé, bác sĩ đều chơi để bé hợp tác với mình.

Sau hai tháng điều trị, hiện tại tình trạng sang thương của bé đã được khống chế. Sức khỏe bé L. đã tạm ổn định. Ngoài vùng da ở phần đầu của bé còn bị loét tì đè do nằm lâu, các mô da ở cơ thể đã khô và tạm thời không còn dấu hiệu hồng ban, bong tróc.

Bác  sĩ Thủy cho biết: "Bé L. đã cai được máy thở, chỉ còn hỗ trợ thở oxy. Bé có phản ứng tốt, não không tổn thương. Vì vẫn còn đang điều trị nên chưa đi lại được nhiều, nhưng bé đã có thể ngồi tại chỗ, vận động tay chân tốt, mắt nhìn tốt.

Tuy nhiên, bé L. còn viêm đáy phổi trái và đỉnh phổi phải, bị xuất huyết phổi quá nhiều dẫn đến bị phổi mãn tính. Nếu bé không ngưng được oxy thì cũng phải tầm soát lại những nguy cơ trên.

Thời gian tới, bé cần được theo dõi bệnh chặt ché hơn nữa, nhất là não, tâm thần và vận động theo từng giai đoạn phát triển".

Bác sĩ Thủy không thể khẳng định bé L. có bị dị ứng thuốc hay không, vì trước đó bé đã bị sốt. Nhưng theo y văn thế giới, 90% người mắc hội chứng Lyell là dị ứng thuốc. Khi bé L. lành bệnh, người nhà phải cẩn thận với tất cả các loại thuốc nếu muốn cho bé sử dụng.

Tốt nhất, bé L. phải có một sổ khám bệnh, ghi tên các loại thuốc bé đã dùng để có thể theo dõi, kiểm soát bệnh của bé (nếu tái phát).

Hiện tại các bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng có giữ lại phần thuốc sốt mà bệnh nhi đã uống trước đó, để tìm ra loại thuốc mà bé bị dị ứng. Tuy nhiên, trong những viên thuốc bé L. uống, có nhiều viên không được đựng trong vỏ thuốc, nên các bác sĩ đang khó khăn trong việc tìm ra loại thuốc nào đã gây nên tổn thương quá lớn cho bé.

Gia đình bé L. nên đến nơi đã mua những phần thuốc này để nhờ người bán cung cấp tên thuốc và lưu lại để phòng ngừa dị ứng có thể xảy ra cho bé khi đi mua thuốc sau này để tránh nguy cơ bị dị ứng thuốc có thể xảy ra với bé.

Be trai 25 thang tuoi bi nhiem doc da anh 3
Tuy chưa thể khẳng định trường hợp của bé L. là do dị ứng thuốc, theo bác sĩ Trần Bích Thủy, ba mẹ cũng nên cẩn thận khi sử dụng thuốc cho con.

Theo bác sĩ Thủy, ba mẹ nên cẩn thận khi sử dụng thuốc cho con. Nhất là các loại thuốc chống động kinh. Một số loại thuốc kháng sinh thường dùng cũng có thể gây dị ứng thuốc cho bé nhưng với tỷ lệ thấp.

"Tất cả các loại thuốc đều có khả năng gây ra trường hợp trên tùy theo vào cơ địa, hệ HLA, hệ thống miễn dịch, gen của bé, do thức ăn, nhiễm khuẩn. Vì vậy, sau khi trẻ uống thuốc xong, ba mẹ nên quan sát những dấu hiệu lâm sàn ở trẻ, nếu trẻ bị nổi những mẩn đỏ nhỏ li ti tại tay, miệng. Nốt ban nổi ngày một nhiều, khiến da bị sang thương, bong tróc.

Cha mẹ phải lập tức đưa trẻ cùng phần thuốc vừa cho trẻ sử dụng đến bệnh viện ngay để các bác sĩ có thể phát hiện và điều trị sớm cho bé, tránh tình trạng bé bị quá nặng gây xuất huyết phổi thì rất nguy hiểm", bác sĩ Thủy khuyến cáo.

Cậu bé phải cắt bỏ tinh hoàn do bị xoắn

Một cậu bé 11 tuổi người Trung Quốc đã phải cắt bỏ một bên tinh hoàn vì bị xoắn và có dấu hiệu hoại tử.

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/be-trai-25-thang-tuoi-bi-nhiem-doc-da-khien-toan-than-bi-bong-troc-98027/

Theo Phạm An/ Phụ Nữ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm