Người bị nhiễm virus dại qua vết cắn, liếm của động vật mắc bệnh dại, phổ biến nhất là chó, mèo. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương tối 18/2, nạn nhân là bé trai 7 tuổi, ở Bắc Giang. Con chó cắn bé trai tới tấp vào nhiều vùng trên cơ thể đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột.
Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời.
Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi (ở Mỹ Đức, Hà Nội), cũng bị chó nhà nuôi cắn. Con vật day vào đầu, mặt khiến trẻ lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu. Tại bệnh viện, trẻ cũng được điều trị và tiêm huyết thanh, vaccine phòng bệnh dại.
Cả hai con vật trên đều là chó nhà nuôi nhưng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Bé trai 7 tuổi được cấp cứu và tiêm huyết thanh, vaccine phòng dại kịp thời. Ảnh: BVCC. |
Chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào.
Bác sĩ khuyến cáo nếu người bị súc vật tấn công không được dự phòng bằng huyết thanh kháng dại và vaccine kịp thời, khả năng mắc bệnh dại là rất lớn, khi đó, tỷ lệ sống sót gần như không còn.
Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.
Ngoài ra, virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng; vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.
Bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới, khá phổ biến ở khu vực châu Á và châu Phi. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine dại, có khoảng 60.000-70.000 người bị chết do bệnh dại.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo.
Ngay sau khi bị cắn, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn hướng giải quyết. Nếu chưa từng tiêm phòng, người bệnh cần tiêm 4 liều trong vòng 2 tuần.
Nếu đã tiêm trước đây, chỉ cần 2 liều sau khi bị cắn. Vaccine phòng dại có thể được tiêm cùng thời gian với các loại vaccine khác và có hiệu lực trong vòng 1-2 năm.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.