Bệnh nhi H. hồi phục sau khi bị chó cắn vào đùi trái. Ảnh: BVCC. |
Theo thông tin từ Trung tâm y tế Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), địa phương này ghi nhận nhiều trường hợp bị chó cắn thương tâm.
Mới đây, ngày 10/3, Trung tâm tiếp nhận bé P.T.H. (7 tuổi, ngụ phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên) bị chó gia đình nuôi cắn vào đùi trái.
Trước đó, con chó được xích dưới gốc cây nhưng vẫn vồ lên cắn trẻ do dây xích quá dài. Sau khi được gia đình phát hiện, bé H. được đưa vào bệnh viện trong tình trạng vết thương ở đùi và tinh thần hoảng loạn.
Trẻ có vết thương kích thước 2 cm, sâu 1,5 cm, mép nham nhở. Tại đây, bé được các bác sĩ xử trí rửa vết thương, tiêm uốn ván, dùng thuốc kháng sinh, chống viêm và giảm đau.
Sau 2 ngày điều trị tại khoa Ngoại, bệnh nhi đã có nhiều chuyển biến về sức khỏe. Hiện tại, bé H. tỉnh, tiếp xúc tốt, ổn định hơn về tinh thần, vết thương ổn định, đã được tiêm huyết thanh kháng bệnh dại và vaccine phòng dại, có thể đi lại được.
Trước đó 7 ngày, Trung tâm y tế huyện Quảng Yên cũng tiếp nhận một bệnh nhi khác bị chó cắn nhiều vết vào mặt, cổ. Gia đình cho hay bé bị cắn khi lại gần chó trong lúc ăn.
Tại khoa Ngoại, bé được dùng thuốc kháng sinh, giảm nề, thay băng vết thương tránh nhiễm trùng, tiêm uốn ván và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại, vaccine phòng dại.
Theo bác sĩ Lê Quốc Khánh, khoa Ngoại, Trung tâm y tế Thị xã Quảng Yên, hàng năm, trung tâm tiếp nhận nhiều ca bị chó cắn, phải phẫu thuật cấp cứu. Trong đó, trẻ nhỏ thường bị chó tấn công vào vùng đầu, mặt, cổ rất nguy hiểm và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc bị chó cắn không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh dại.
Virus dại khi lây sang người qua vết cắn. Bệnh nhân mắc bệnh dại sẽ dẫn đến tử vong gần như 100% do không có phương pháp điều trị.
Theo bác sĩ Khánh, mọi người có thể phòng bệnh dại bằng các tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Vật nuôi trong nhà không được thả rông, ra đường phải được đeo rọ mõm.
Mọi người cũng không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo để tránh bị cào, cắn.
Nếu không may bị chó, mèo cào cắn, điều đầu tiên mọi người cần làm là rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Sau khi rứa với nước và xà phòng đặc, mọi người cần tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine... và hạn chế làm dập vết thương, không được băng kín vết thương.
Sau khi sơ cứu, mọi người cần đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.