Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa nội soi gắp viên sỏi có kích thước 15x15 mm cho bé trai T.P.V. (3 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM).
Theo lời kể của người nhà, bé V. có thói quen chơi và cầm đồ vật bỏ vô miệng. Đêm trước hôm nhập viện, bé chơi gần hồ cá và nuốt viên sỏi thủy tinh trong hồ cá. Người nhà liên tục móc họng cho bé nôn nhưng không ra.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng và Tiêu hóa hội chẩn, gắp dị vật bằng phương pháp nội soi.
Các bác sĩ cho biết trẻ thường thích khám phá thế giới bằng mọi giác quan, kể cả miệng. Do vậy, bé rất dễ nuốt phải những vật như đồng xu, hòn bi, kim tiêm, viên thuốc, cúc áo, mảnh đồ chơi, pin và hạt quả. Trong đó, dị vật trẻ thường hay nuốt có thể chia thành 3 nhóm:
- Dị vật sắc bén: Trẻ nuốt dị vật này thường có nguy cơ thủng rách đường thở và đường ăn. Do đó, trường hợp này cần được phát hiện và xử lý ngay.
Viên sỏi thủy tinh biết Q đã nuốt vào bụng. |
Thông thường, trẻ nuốt dị vật sắc bén thường có dấu hiệu khó thở, nói khó, không ho được, thở khò khè, chảy dãi, khạc nhổ liên tục. Nếu không xử trí sơ cấp và gọi cấp cứu kịp thời, dị vật làm tắc thực quản có thể khiến trẻ tử vong.
- Dị vật ăn mòn: Các loại dị vật ăn mòn phổ biến là tiền xu, kẽm, pin... Các loại có thể gây tổn thương, ăn mòn nặng do tác dụng với axit trong dịch dạ dày.
- Dị vật không ăn mòn: Thông thường, nếu nuốt phải vật không ăn mòn, tốt nhất phụ huynh nên theo dõi chặt trẻ trong vài ngày, kiểm tra toàn bộ phân để xem dị vật đã ra hay chưa.
Nếu trẻ nôn, bỏ ăn hoặc kêu đau bụng bất kỳ lúc nào trong giai đoạn này, hãy gọi bác sĩ ngay. Lúc này, dị vật có thể tắc nghẽn ở đoạn dưới đường tiêu hóa.
Thông thường, dị vật kẹt ở thực quản, khí quản, các bác sĩ có thể dùng nội soi để xác định vị trí và gắp ra ngoài. Tuy nhiên, nếu dị vật gây ăn mòn như tiền xu hoặc pin, đã ở trong dạ dày của trẻ trên 24 tiếng, bác sĩ phải phẫu thuật để lấy ra.