Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết trước đó, bệnh nhi được sinh mổ tại một bệnh viện ở Đồng Tháp. Khi chào đời, bé nặng 3,7 kg, bao gồm cả khối u khổng lồ có kích thước 10x12x9 cm sau đầu. Các bác sĩ chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để theo dõi và cân nhắc phương án phẫu thuật.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Anh Tiên, Bệnh viện Nhi đồng 1, kết quả siêu âm và CT-Scan cho thấy bệnh nhi bị khuyết xương sọ. Túi thoát vị lớn qua lỗ khuyết sọ chứa dịch và nhu mô não đã xuất huyết hoại tử bên trong.
Bé trai mang khối u to hơn đầu. Ảnh: BVCC. |
Khi bé trai đủ điều kiện sức khỏe chịu đựng cuộc mổ, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh đã cẩn trọng cắt bỏ toàn bộ khối u, trả lại cho bé cơ thể bình thường.
Thoát vị não màng não là dị tật bẩm sinh khá hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1-10 trẻ trong 4.000 trẻ sơ sinh sống. Nguyên nhân xác định của dị tật này vẫn chưa rõ, đa số có thể là khiếm khuyết của hệ thần kinh đơn thuần, liên quan sự thiếu hụt folate.
Folate và axit folic đều là các dạng của vitamin B9. Axit folic là dạng tổng hợp có trong thực phẩm bổ sung, folate có nhiều trong rau ăn lá, trứng, các loại đậu, trái cây họ cam quýt, gạo...
Khi thiếu dưỡng chất này, trẻ có nguy cơ cao mắc dị tật hệ thần kinh như nứt đôi đốt sống, có hoặc không kèm thoát vị màng não, nặng nhất là vô não. Dị tật dễ hình thành nhất là trong vòng 28 ngày đầu sau thụ thai, ngay cả khi người mẹ chưa biết là mình đang mang thai.
Chế độ ăn thiếu hoặc dùng các chất đối kháng với folate, bất thường về gene liên quan chuyển hóa folate. Một số yếu tố ở người mẹ làm tăng nguy cơ thiếu folate như người mẹ nhỏ tuổi, béo phì, tiểu đường thai kỳ, thuốc chống co giật hoặc người mẹ uống rượu bia, hút thuốc, cà phê trong thời gian mang thai.
Bác sĩ khuyên phụ nữ nên uống axit folic trước khi chuẩn bị mang thai, nhất là người có tiền sử sinh con bị dị tật hệ thần kinh. Phụ nữ nên khám thai định kỳ và tiếp tục dùng axit folic theo chỉ định của bác sĩ.