Lực lượng y tế phối hợp với người dân địa phương tiến hành các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng khu vực bệnh nhân sinh sống. Ảnh: TTXVN. |
Chiều 19/10, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, xác nhận bé trai T.V.M.N., 7 tuổi, ngụ xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài, không qua khỏi do sốt xuất huyết.
Theo Trung tâm y tế thành phố Đồng Xoài, chiều 3/10, bé T.V.M.N., học sinh Trường Tiểu học Tân Phú bị sốt, mệt mỏi nên sáng 4/10 đã được người nhà đưa đến một phòng khám tư nhân khám, lấy thuốc uống nhưng không đỡ.
Đến ngày 5/10, người nhà đưa bé M.N. đến Bệnh viện Quân dân Y 16, thành phố Đồng Xoài. Chiều 8/10, cháu mệt mỏi nhiều, đau bụng và đi cầu phân đen.
Tối 9/10, bệnh nhân có dấu hiệu nặng hơn, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng - N7 (có triệu chứng sốc, suy gan, xuất huyết tiêu hóa).
Đến 3 giờ sáng 10/10, bé M.N. được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Bệnh nhi được thở máy, lọc thận liên tục đến chiều 18/10 nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh viện thông báo với người nhà cho cháu về và cháu đã mất sau đó.
Theo xác minh dịch tễ từ địa phương, khu vực bệnh nhi sinh sống trong vòng 14 ngày qua không ghi nhận ca bệnh, không có ổ dịch. Bệnh nhi học bán trú tại Trường Tiểu học Tân Phú. Chiều về nhà bà ngoại ở khu phố Tân Trà 1, phường Tân Bình, cũng chưa ghi nhận ca bệnh và ổ dịch sốt xuất huyết trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, ngày 15/10, em gái bệnh nhi mới 18 tháng tuổi cũng bị sốt, mệt mỏi và được người nhà đưa đi Bệnh viện Nhi Đồng 2 với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue.
Sau khi xác minh ca bệnh, ngày 19/10, Trung tâm y tế thành phố Đồng Xoài và Trạm y tế xã Tiến Hưng đã phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường bán kính 200 m khu vực cháu T.V.M.N sinh sống; xử lý môi trường ở Trường Tiểu học Tân Phú và khu vực nhà bà ngoại tại khu phố Tân Trà 1, phường Tân Bình.
Trung tâm y tế thành phố Đồng Xoài cũng khuyến nghị người dân cần chú ý thu gom vật dụng không cần thiết để tránh nước đọng, thả cá, đậy nắp các vật chứa nước sinh hoạt để muỗi không có nơi sinh sản, lăng quăng không phát triển. Khi người dân có dấu hiệu sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế đủ điều kiện, uy tín để phát hiện bệnh, điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc tự điều trị tại nhà…
Ủy ban Nhân dân các phường, xã tăng cường chỉ đạo các khu dân cư phối hợp tốt với ngành y tế để tuyên truyền, thực hiện phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có ca bệnh, người dân phải báo ngay cho Trạm Y tế để phối hợp xử lý sớm.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.