Sáng 13/8, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Khải, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa điều trị cho hai bệnh nhi bị dị dạng mạch máu bằng phương pháp ít xâm lấn, không phải phẫu thuật.
Bác sĩ Khải cho biết trường hợp đầu tiên là bé trai 8 tuổi, nhập viện trong tình trạng vùng má trái sưng húp. Trong 6 năm, bệnh nhi này thường xuyên chảy máu nướu răng về đêm. Do mất máu liên tục, bé bị thiếu hồng cầu, người xanh xao, chữa trị nhiều nơi không khỏi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, qua kết quả chụp DSA, các bác sĩ phát hiện bé bị dị dạng mạch máu vùng má bên phải. Đây được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu răng.
Các bác sĩ can thiệp mạch máu tại phòng chụp mạch DSA. Ảnh: BSCC. |
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định can thiệp mạch máu bằng thủ thuật ít xâm lấn, không cần phẫu thuật, để làm tắc và điều trị dị dạng cho bé. Sau khi làm thủ thuật, bệnh nhi hoàn toàn khỏe mạnh, tình trạng chảy máu răng không còn.
Trường hợp thứ hai là bé gái 8 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức vùng hạ sườn phải. Kết quả chụp CT cho thấy bé có khối u gan lớn, gây chèn ép các cơ quan khiến bé thường xuyên nôn ói.
Dù là u gan lành tính, các bác sĩ cho rằng phẫu thuật bóc khối u là phương pháp can thiệp rất nặng nề cho bệnh nhi 8 tuổi và không cần thiết. Chính vì vậy, các bác sĩ đã lựa chọn phương pháp can thiệp ít xâm lấn, gây tắc các mạch máu nuôi u.
“Sau khi làm tắc mạch máu, những khối u hay dị dạng mạch máu sẽ bị teo nhỏ, thoái hóa dần do thiếu nguồn máu nuôi. Quá trình nút mạch được thực hiện trong phòng chụp mạch DSA nên có thể nhìn rõ các mạch máu đi vào khối u, cho phép bác sĩ tiếp cận khối u gần nhất và chính xác nhất”, bác sĩ Khải phân tích.
Nửa ngày sau khi làm thủ thuật, tình trạng sức khỏe của hai bệnh nhi đã hồi phục, không còn đau và được xuất viện.