ThS.BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, chia sẻ cơ sở y tế này vừa tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Hữu Nam (9 tuổi ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị tổn thương não vì không xử trí kịp thời khi bé lên cơn hen.
Khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ cho biết bé Nam đã điều trị dự phòng hen từ năm một tuổi. Khi đi chơi Tết, bé lên cơn hen cấp, khó thở, gia đình quay về nhà lấy khí dung để hỗ trợ đường thở nhưng không kịp. Bệnh nhi tím tái và ngất xỉu.
Khi đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an), bệnh nhi bị ngưng tuần hoàn, tím tái, mạch không bắt được. Các bác sĩ đã cấp cứu xử trí ngừng tim, cho đặt nội khí quản hỗ trợ thở giúp bệnh nhi có nhịp tim trở lại.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh. Ảnh: HQ. |
Bệnh nhi ngay lập tức được đưa đến khoa Cấp cứu - Chống độc tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 18/2 (mùng 3 Tết). Qua thăm khám, các chỉ số tim mạch của bé trong giới hạn bình thường và tiếp tục được thở máy. Tuy nhiên, khi kiểm tra thần kinh, các bác sĩ nhận thấy bé không có phản xạ đáp ứng, đồng tử giãn to, mất phản xạ về ánh sáng, không đáp ứng với kích thích.
“Bệnh nhi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng vì thiếu oxy kéo dài, lên cơn hen cấp nhưng không được xử trí kịp thời. Chúng tôi vẫn đang hỗ trợ tuần hoàn để duy trì chức năng sống cho cháu", bác sĩ Vinh cho hay.
Theo bác sĩ Vinh, bệnh hen hoàn toàn dự phòng được. Trong trường hợp này, gia đình chủ quan, không mang thuốc dự phòng cho con để xử trí kịp thời, khiến bé nguy kịch.
Hen phế quản nói chung và hen phế quản ở trẻ em nói riêng đã trở thành bệnh lý xã hội, mang tính toàn cầu. Tần suất mắc bệnh đang có xu hướng tăng cao trên toàn thế giới.
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm tiếp nhận rất nhiều trẻ bị hen phế quản vào điều trị. Trong vài năm gần đây, số lượng bệnh nhi hen phế quản tăng lên rõ rệt.
Bác sĩ Vinh cảnh báo thời tiết mùa đông - xuân rất thuận lợi cho bệnh hen phát triển, đặc biệt là cơn hen cấp ở người có tiền sử bệnh. Vì thế, bệnh nhân nên khám và kiểm tra định kỳ để tránh lên cơn hen cấp, sử dụng thuốc dự phòng đúng quy định của bác sĩ.
Đặc biệt, các gia đình có người mắc bệnh cần phải chú ý mang theo thuốc dự phòng và thuốc cắt cơn hen, xử trí theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để có những xử trí kịp thời.