Nhớ lại tháng 3/2005, Trương Phạm Hoài Chung (nay 31 tuổi) ngồi thẫn thờ, vai rung bần bật trong một góc sân trường trung học National Junior College (Singapore) khi nhận được thông báo từ chối từ Đại học Harvard.
Vài năm sau, bạn tiếp tục nộp đơn vào chương trình sau đại học cũng tại ngôi trường trên. Và lại trượt.
Trương Phạm Hoài Chung (bìa phải, hàng sau) trong chuyến đi tặng giày, áo ấm cho trẻ em vùng núi phía Bắc năm 2013. |
Ngấu nghiến tiếng Anh
Lớn lên tại một làng quê nhỏ rìa thành phố Quy Nhơn, tuổi thơ của Chung hệt như bao đứa trẻ nông thôn khác. “Tuy nhiên, tôi có may mắn vì cha mẹ đều là giáo viên nên rất quan tâm đến việc học của con. Tôi được tạo điều kiện để mua sách học khi cần” - Chung nhớ lại.
Khát khao khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia mà trước giờ chỉ được biết qua tivi, đài phát thanh... nên Chung dành phần lớn thời gian đầu tư cho môn tiếng Anh, hễ rảnh là “ngấu nghiến” từng từ. “Ở quê đâu có điều kiện học trung tâm, Internet hay cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài...
Nhiều khi thấy người nước ngoài đi ngang cánh đồng, mình hét “hello” (chào bạn) và thấy họ hiểu, chào lại là đã thấy sướng rơn” - Chung bật cười kể.
Cùng học trò hoạt động tình nguyện
Năm 2013, xúc động trước một bài viết về những đôi chân trần của trẻ em vùng núi phía Bắc trong mùa giá lạnh, Hoài Chung phát động chương trình thường niên Shoes for Sapa (Giày cho trẻ em Sa Pa) và gây quỹ lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chung đưa học trò đến nơi, tận mắt chứng kiến những mảnh đời cơ cực.
Chung cũng đang tham gia làm chủ nhiệm chương trình Thắp sáng khát vọng Việt (do Hội Thanh niên - sinh viên VN tại Hoa Kỳ tổ chức) tư vấn miễn phí, kết nối cơ hội du học cho bạn trẻ Việt.
Khó khăn là vậy nhưng Chung vẫn gắng học và đoạt giải nhất thành phố môn tiếng Anh năm lớp 8, giải nhì tiếng Anh cấp tỉnh lớp 8 và lớp 9...
“Cách học tiếng Anh của tôi đơn giản là cứ tưởng tượng mình là giáo viên có trách nhiệm truyền đạt lại kiến thức cho học sinh vô hình phía dưới. Có như vậy mình sẽ học tập trung và nhớ lâu hơn” - Hoài Chung nhớ lại.
Khi vào lớp 10 chuyên Anh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định), Hoài Chung có cơ hội tham gia và thi đậu kỳ thi cấp học bổng toàn phần hệ trung học của Chính phủ Singapore (ASEAN).
Từ nơi chỉ có lũy tre làng và con trâu, Hoài Chung bị choáng ngợp khi bước vào một xã hội hiện đại hàng đầu. Nhưng Hoài Chung nhanh chóng thích nghi và dồn sức học, kết quả học tập của Chung luôn nằm trong tốp đầu của trường.
Ngoài giờ học, Chung tham gia và đi lưu diễn cùng dàn hợp xướng của trường, đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympiad môn hóa học toàn Singapore...
“Mọi nỗ lực lúc đó của tôi là để được đặt chân vào giảng đường Đại học Harvard. Tôi càng tự tin hơn khi đây là ngôi trường mà người thầy tham vấn tại Singapore đã gợi ý sau khi theo dõi kỹ quá trình phấn đấu của tôi” - Chung nói.
Nhưng cánh cổng Harvard đã không mở ra. Gác lại giấc mơ, Chung theo học Đại học Williams (Hoa Kỳ), một trong năm ngôi trường cấp học bổng toàn phần cho bạn.
Sau ngày tốt nghiệp đại học, Chung chọn con đường về nước và làm giám đốc học vụ tại một trung tâm tiếng Anh. “Công việc tốt, thu nhập ổn định, đã yên bề gia thất nhưng ước mơ năm nào vẫn cháy trong tôi, nhất là khi có vợ ủng hộ” - Chung nói về quyết định nộp đơn xin vào chương trình sau ĐH tại Harvard năm 2013.
Vẫn chưa được tiếp nhận, Chung không nản lòng mà kiên trì viết lại hồ sơ, tham khảo ý kiến những người đi trước cũng như hoàn thiện bản thân... để nộp lại hồ sơ vào năm kế tiếp!
Không đặt một điều gì làm mục đích duy nhất
Khi được hỏi cảm xúc ngày nhận được thông báo trúng tuyển vào chương trình thạc sĩ giáo dục từ Đại học Harvard giữa tháng 3/2015, Chung mỉm cười cho biết: “Khoảnh khắc đó tôi thấy mình rất ung dung, thoải mái. Có lẽ tôi thấy đây là quả ngọt bản thân hoàn toàn xứng đáng được nhận sau những cố gắng không ngừng nghỉ”.
Chung thẳng thắn cho biết Đại học Williams tuy cũng là trường hàng đầu của Mỹ nhưng chưa từng nằm trong dự tính của Chung trong hai năm cuối học trung học tại Singapore.
“Sau này nhìn lại tôi mới thấy cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ và thú vị. Nhờ Đại học Williams mà tôi có được ngày hôm nay. Chúng ta không nên đặt một điều gì đó làm mục đích duy nhất bởi mỗi cơ hội đều có ý nghĩa riêng. Học ở đâu cũng được bởi tất cả phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân” - Chung chia sẻ.
Vậy vì sao Chung kiên trì nộp đơn vào Đại học Harvard? “Mục đích được vào ngôi trường danh giá nhất thế giới này của tôi ở quá khứ và hiện tại là khác nhau. Từ khi quyết định đi theo lĩnh vực giáo dục, tôi có nguyện vọng được nâng đỡ các em học sinh không chỉ trong học tập mà cả trong đời thường.
Về mặt chuyên môn thì chương trình tại Đại học Harvard sẽ giúp tôi cập nhật những nghiên cứu, tư duy mới mẻ để có những thay đổi tích cực trong giáo dục. Còn vế còn lại, tôi tin vào “thuyết tấm gương” và mong trở thành tấm gương gần gũi nhất bởi điều các em học sinh cần không chỉ là kiến thức mà còn là những câu chuyện về việc dám mơ lớn, biết kiên trì đứng lên từ thất bại...” - Chung nói.
Sau nhiều năm làm công tác giáo dục, Chung nhận ra rằng sự thất bại là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của giới trẻ lẫn phụ huynh Việt.
“Tôi từng chứng kiến một em học sinh của mình bị trầm cảm nặng khi không vô được ngôi trường mong muốn, tôi cũng từng biết nhiều câu chuyện các bạn trẻ chịu sự lèo lái, định hướng của phụ huynh từ lúc nhỏ vì sợ họ sẽ lạc lối nếu tự chọn đường đi. Vì sao chúng ta không tạo nhiều cơ hội cho bản thân? Phải chăng họ thiếu kỹ năng sống hoặc không tin vào năng lực và đam mê của chính mình?” - Chung chia sẻ.