Khoảng 10h sáng, tại phòng hoá trị 1, gần 90 giường bệnh hầu như đã kín chỗ. Đây là một trong 2 phòng truyền hoá chất thuộc khoa Hoá trị, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Tất cả người bệnh điều trị ở đây đều đã được xác định mắc ung thư hoặc có khối u ác tính trong cơ thể, phải điều trị bằng phương pháp truyền hoá chất (hay hoá trị). |
Hoá trị là phương pháp sử dụng các loại hóa chất và thuốc để tiêu diệt, ức chế sự phát triển các tế bào ung thư. Phương pháp này được sử dụng cả trước và sau khi phẫu thuật xử lý khối u. Thông thường, một bệnh nhân phải trải qua nhiều đợt hoá trị cách nhau vài tuần đến một tháng. |
Trên chiếc ghế dài êm ái, bệnh nhân thoải mái nằm duỗi chân. Phía trên mỗi ghế là hàng dài các chai hoá chất treo dày đặc. Vì phải có mặt tại bệnh viện từ sớm, nhiều người có vẻ thấm mệt, tranh thủ nghỉ ngơi. Trong lúc này, các điều dưỡng liên tục đi lại theo dõi tình trạng từng người bệnh. |
Chị Diệu Huyền (46 tuổi, TP.HCM) có mặt tại bệnh viện từ 6h30 sáng để kịp lịch hoá trị. Người phụ nữ mới phát hiện mắc ung thư vú khoảng đầu năm nay, đến nay là giai đoạn 2. Đây là lần thứ 4 chị Huyền đến truyền hoá chất tại khoa. "Một lần truyền thuốc chỉ kéo dài hơn nửa ngày nhưng tôi phải mất gần một tuần không thể làm việc được vì bị 'thuốc hành'. Mệt lắm!", chị Huyền chia sẻ với Tri thức - Znews. |
"Thuốc hành" là phản ứng phụ gần như tất cả người bệnh đều gặp phải sau khi truyền hoá chất. Bên cạnh các triệu chứng phổ biến như mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa..., rụng tóc cũng là một hiện tượng hay gặp khác ở người bệnh ung thư từng trải qua hoá trị. |
Nằm trên chiếc giường duy nhất trong phòng hoá trị là Thảo Nguyên (25 tuổi, Bình Phước). Cô gái phát hiện mình mắc u não sau một lần lên cơn động kinh cách đây hơn một năm trước. Thời gian gần đây, Nguyên có triệu chứng liệt nửa người bên trái, không thể sinh hoạt bình thường. Khi đến bệnh viện hoá trị, Nguyên phải nằm trên băng ca thay vì ngồi như những người xung quanh. |
Tuỳ theo phác đồ, thời gian hoá trị của mỗi bệnh nhân kéo dài 4-12 giờ. Tổng thời gian mỗi lần điều trị kéo dài khoảng nửa ngày. Sau khi truyền thuốc, người bệnh được nằm theo dõi lại khoa trong 30 phút đến một giờ. Nếu không xuất hiện phản ứng khác thường, bệnh nhân sẽ được cho về nhà. |
Sau lần hóa trị đầu tiên, tóc chị Đặng Thị Đào bắt đầu rụng và thưa dần. Nhớ lại giai phát hiện mắc ung thư cổ tử cung, chị Đào buồn và suy sụp nhiều. Nhờ sự động viên từ gia đình, đến lần tái khám thứ 2, người phụ nữ đã tự tin đến viện khám, điều trị một mình. "Tôi bắt xe từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến TP.HCM từ sáng sớm, sau đó nghỉ ngơi ở nhà con trai, rồi mới đến viện hóa trị. Hôm nay chỉ mới là lần truyền thuốc thứ 2", chị Đào chia sẻ. |
Ngoài phòng hoá trị, một bảng điện tử lớn hiển thị thông tin những bệnh nhân truyền thuốc bên trong và số ghế đi kèm. Để đảm bảo điều kiện điều trị tốt nhất, thân nhân sẽ chờ ở bên ngoài phòng. Trong ảnh, cô gái đứng bên ngoài, lặng lẽ quan sát người thân đang truyền thuốc qua khe hở giấy dán kính. |
Hàng ngày, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp nhận khoảng 1.000 người bệnh đến khám và điều trị. "Trung tâm mở cửa lấy số xếp hàng từ 6h sáng, các bác sĩ bắt đầu làm việc từ 7h và chỉ nghỉ khi nào hết bệnh nhân", TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc trung tâm, chia sẻ với Tri thức - Znews. Theo TS Tuấn Anh, trung tâm vẫn xảy ra tình trạng quá tải người bệnh nhưng đã có sự chuẩn bị trước nên không quá nghiêm trọng. |
Khu vực chờ khám tại khoa Hoá trị luôn đông người bệnh đến tái khám từ sáng sớm. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận hoá trị cho 230-240 người bệnh, trong đó, rất nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành lân cận TP.HCM. Để kịp giờ khám, nhiều người trong số đó phải bắt xe lên thành phố từ sớm hoặc cách đó một ngày. |
Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.