Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết khoảng thời gian 1-2 tháng tới dịch chân tay miệng đang vào mùa cao điểm. Hiện tại, khoa bắt đầu nhận rải rác các ca bệnh nặng, một số bé phải thở máy.
Mỗi tuần Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận điều trị cho khoảng 50-60 trẻ mắc chân tay miệng. Ảnh: Phú Mỹ |
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, khoảng 160 bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện mỗi tuần, đang có chiều hướng gia tăng.
Bác sĩ Khanh khuyên các phụ huynh cần phát hiện bệnh sớm để đưa vào viện khám kịp thời. Biểu hiện bệnh tay chân miệng là bóng nước có kích thước 2-10 mm, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn….
Đa số bóng nước tự xẹp và tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho tim mạch, đường hô hấp, thần kinh như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não.
Các bé bị biến chứng não thường có dấu hiệu như khó ngủ, quấy khóc liên tục, hoảng hốt, nói nhảm, run tay và co giật. Những biến chứng do tay chân miệng nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể khiến trẻ tử vong trong vài giờ.
Cha mẹ cần chăm sóc kỹ bé khi mắc bệnh, cho ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định, giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm ở phòng kín gió.
Để phòng bệnh, phụ huynh phải rửa sạch bàn tay của trẻ và người chăm sóc bằng nước, xà phòng. Trẻ đang trong giai đoạn nghi ngờ bệnh không nên đến trường, nếu mắc bệnh phải nghỉ học 7-10 ngày để thực hiện khử khuẩn.