Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh coi thường học sinh

Bệnh coi thường trẻ em nếu không chữa trị triệt để nó sẽ  trở thành một căn bệnh di truyền. Trẻ em của chúng ta khi trở thành người lớn, sẽ trở thành những người coi thường trẻ em sau đó.

Bệnh coi thường học sinh

Bệnh coi thường học sinh
Học sinh cần được tôn trọng. Ảnh minh họa

Bệnh coi thường trẻ em nếu không chữa trị triệt để nó sẽ  trở thành một căn bệnh di truyền. Trẻ em của chúng ta khi trở thành người lớn, sẽ trở thành những người coi thường trẻ em sau đó.

Nhà vệ sinh của đa số các trường học đều mất vệ sinh là sự thật. Học sinh không dám đi đại tiểu tiện, phải nín chờ hết buổi học về nhà, việc này sẽ gây ra những căn bệnh nguy hiểm; gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, giáo viên và người dân gần đó; tạo cho học sinh hình thành những thói quen không văn hóa, phóng uế bừa bãi.

Thực trạng phản giáo dục này đã tồn tại mấy chục năm, đã có biết bao thế hệ học sinh phải chịu đựng.  Và thực trạng này chỉ là một trong rất nhiều triệu chứng của căn bệnh coi thường học sinh của nhà trường và bệnh coi thường trẻ em của xã hội.

Ở phần lớn các trường học đều thấy những triệu chứng của căn bệnh này:

Nhà vệ sinh của thầy cô giáo vừa đẹp vừa sạch sẽ còn nhà vệ sinh của học sinh thì bẩn thỉu không thể chịu được.

Phòng làm việc của các phòng ban trong trường thì đẹp, thoáng mát, đủ ánh sáng, tiện nghi tốt, còn phòng học của học sinh  thì nhiều nơi nóng bức, bàn ghế có chất lượng kém.

Xe của giáo viên thì được che mưa che nắng cẩn thận còn xe của học sinh có thể "dầm mưa dãi nắng".

Giáo dục học sinh bằng phương pháp giáo dục áp đặt; có một số giáo viên bạo hành, hạ nhục học sinh; áp đặt học sinh nhiều điều không hợp lý...

Không bút nào liệt kê hết được.

Còn ngoài xã hội thì:

Các công sở Nhà nước thường đàng hoàng to đẹp với đầy đủ tiện nghi hiện đại, còn trường học thì có hình thức và chất lượng kém xa, thậm chí có trường học nhếch nhác và dột nát.

Trường học dành cho người lớn (nhất là các trường đào tạo cán bộ) có diện tích, hình thức, tiện nghi và chất lượng vượt xa trường học dành cho trẻ em. Nhiều trường không có chỗ cho học sinh chào cờ đầu tuần để giáo dục lòng yêu nước.

Ở các thành phố, thị xã, thị trấn có nhiều sân chơi thể thao dành cho người lớn, nhưng sân chơi của trẻ em thì rất ít, thậm chí nhiều nơi không có.

Hàng hóa cho người lớn dùng có chất lượng cao hơn hẳn hàng hóa cho trẻ em.

Trong nhiều việc, người lớn cho trẻ em đúng thì được đúng mà cho sai là phải sai.

Khó liệt kê hết những triệu chứng của căn bệnh coi thường trẻ em. Tại sao trong lĩnh vực công người lớn tự cho mình quyền được hưởng thụ mọi cái đầy đủ hơn và chất lượng cao hơn những gì dành cho trẻ em? Tại sao có một số người lớn muốn lấy trẻ em làm "vật thí nghiệm" cho những điều không biết chắc là đúng hay không đúng mà những "cải cách", "thí điểm" liên tục trong ngành giáo dục là một ví dụ? Phải chăng vì trẻ em không đủ khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình, trẻ em yếu ớt luôn cam chịu và chờ sự ban ơn của người lớn nên người lớn có thể đối xử tùy tiện với trẻ em? 

Hãy xem nhiều nước, người ta tổ chức cuộc sống và hoạt động cho con em của họ để suy ngẫm: Khi nước Nhật chưa có khả năng xây dựng trường học và công sở khang trang như nhau thì Chính phủ Nhật đã có quy định: ở các địa phương, công sở Nhà nước không được xây dựng khang trang hơn trường học. Việc đó cho thấy từ lâu ở nước Nhật trẻ em thật sự  được coi trọng vì chúng được thụ hưởng những công trình giáo dục và vui chơi giải trí với chất lượng không thua kém công sở Nhà nước, không thua kém người lớn. Điều này giải thích tại sao nước Nhật phát triển nhanh, vì họ thực hiện giáo dục là quốc sách hàng đầu bằng những quy định bắt buộc cụ thể của Nhà nước chứ không phải bằng những khẩu hiệu.

Tại sao ở nước ta khẩu hiệu đối với trẻ em thì hay mà thực tế thì không hay như vậy? Đồng ý rằng, nhà trường cần phải có đủ nhiều thứ để phục vụ cho việc dạy và học, để tạo nên môi trường giáo dục tốt. Nhưng trong lúc chúng ta còn chưa giàu để có đủ mọi thứ cùng một lúc thì phải xác định ưu tiên. Khi xác định ưu tiên thì thứ tự hợp lý phải là: phòng học, nhà vệ sinh, thư viện, phòng thí nghiệm, rồi mới đến vườn hoa cây cảnh, mới đến cổng trường.  Không thể chấp nhận một trường học có cổng trường đẹp, có vườn hoa cây cảnh đẹp mà nhà vệ sinh lại mất vệ sinh một cách kinh khủng.

Bệnh coi thường trẻ em nếu không chữa trị triệt để nó sẽ  trở thành một căn bệnh di truyền. Trẻ em của chúng ta khi trở thành người lớn, sẽ trở thành những người coi thường trẻ em sau đó. Nhưng muốn chữa trị, phải ghi vào luật, rằng phải dành cho trẻ em những gì tốt nhất mà đất nước ta có thể. Cần khẳng định bằng luật rằng: trẻ em Việt Nam có quyền được thụ hưởng những cơ sở vật chất và tinh thần cho việc học tập và vui chơi giải trí có chất lượng không kém hơn chất lượng công sở Nhà nước. Phải có một cơ chế giám sát việc thực thi điều đó.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện cuộc vận động "2 không" (nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử), nay cần thêm 1 "không" nữa. Đó là nói "không" với phương pháp giáo dục áp đặt. Tức là phải dân chủ hóa học đường. Điều này sẽ có tác dụng rèn luyện và phát huy năng lực độc lập tự chủ và sáng tạo của trẻ em.

Lê Thưởng

(Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng)

Theo Thanh Niên

(Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng)

Bạn có thể quan tâm