Bé trai được bố trí chăm sóc, điều trị bệnh ho gà trong phòng cách ly riêng. Ảnh minh họa: Pexels. |
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Lào Cai, địa phương này vừa ghi nhận 2 bệnh nhi mắc ho gà là bé L.T.A. (17 tháng tuổi) và bé T.H.G. (3 tháng tuổi) đều trú tại xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn.
Thời điểm vào viện, hai bé đều trong tình trạng suy hô hấp cấp, có cơn ho kịch phát, chỉ số SpO2 rất thấp và phải thở máy.
Sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai, CDC tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm của 2 trường hợp nghi mắc bệnh ho gà, gửi xét nghiệm xác định chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sau đó xác định cả 2 bé đều dương tính vi khuẩn B.Pertussis (vi khuẩn ho gà).
Ngay khi có kết quả, CDC Lào Cai đã đề nghị Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai bố trí phòng điều trị cách ly phù hợp đối với 2 bệnh nhi ho gà. Việc này vừa để đảm bảo hiệu quả công tác điều trị cho các bé, vừa đảm bảo hoạt động phòng chống dịch, tránh việc lây nhiễm chéo.
Sau hơn một tuần điều trị tích cực, 2 trẻ qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định và đang trong giai đoạn điều trị phục hồi.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong quý I, cả nước đã ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh xuất hiện chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Ngành y tế khuyến cáo ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh là tiêmvaccine ho gà đầy đủ và đúng lịch.
Trẻ em cần tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa ho gà trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Phụ huynh cũng có thể cho con tiêm vaccine thông qua các chương trình vaccine dịch vụ sớm nhất khi trẻ được 6 tuần tuổi. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được tiêm nhắc khi đã 18-24 tháng.
CDC Lào Cai khuyến cáo việc cung ứng vaccine hiện nay đôi khi bị gián đoạn từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Phụ huynh cần theo dõi sát thông báo lịch tiêm chủng tại địa phương hoặc cho trẻ đến tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, sốt khi tiêm phòng, gặp vấn đề tiêu hóa…
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.