Bảo vệ da trong thời tiết hanh khô là vấn đề nan giải của nhiều người. Ảnh: hannah_xu. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong thời gian qua, cơ sở y tế này tiếp nhận khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân gặp tình trạng da nổi mụn đỏ li ti, kèm cảm giác ngứa, rát.
Những nguyên nhân gây mụn trong mùa hanh khô
Theo bác sĩ Đỗ Kim Anh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, mức độ da bị ảnh hưởng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như cấu tạo di truyền, loại da, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời...
Tuy nhiên, điển hình với các trường hợp nổi mụn có thể do kích ứng hoặc quá trình đẩy mụn trong điều trị trứng cá. Ngoài ra, đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy tình trạng bất thường của sức khỏe.
Mụn trên da là tình trạng phổ biến trong mùa hanh khô tại miền Bắc. Ảnh minh họa: barbara_krysztofiak. |
Cụ thể, trong điều trị trứng cá, mụn ở dưới da được đẩy lên trên bề mặt nhanh chóng.
"Hiện tượng đẩy mụn thường xảy ra khi chúng ta điều trị mụn trứng cá có sử dụng các sản phẩm như AHA, BHA, Retinoids... Đẩy mụn có thể giúp cho quá trình điều trị mụn trứng cá được nâng cao hiệu quả", BS Kim Anh cho hay.
Tuy nhiên, vị chuyên gia khuyến cáo nếu không chăm sóc da tốt, hiện tượng này có thể dễ dẫn đến viêm da. Lúc này, nhiều khả năng da sẽ bị thâm sẹo, kèm theo cả sẹo rỗ.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn chuyển mùa, BS Kim Anh khuyến cáo người dân nên lưu ý khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc mới, dễ khiến da bị kích ứng nhưng thường hết khi ngừng bôi hoặc khi da đã quen dần với sản phẩm.
BS Kim Anh khuyên: "Trong trường hợp này, mọi người nên thử trên một vùng da nhỏ để kiểm tra về khả năng kích ứng, sau đó mới dùng ở vùng da rộng hơn".
Mặt khác, tình trạng da nổi mẩn đỏ li ti kèm theo ngứa rát sau khi dùng mỹ phẩm hay sản phẩm chăm sóc da không phù hợp, kém chất lượng cũng rất thường gặp.
"Đa phần bệnh nhân khi ngừng thoa, dấu hiệu này sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, khi dùng trở lại sản phẩm đó, da lại bắt đầu nổi mụn nhiều hơn", vị chuyên gia thông tin.
Ngoài ra, tình trạng mụn mọc bất thường cũng cảnh báo một số bệnh lý về đường tiêu hóa, rối loạn nội tiết...
Các xử lý và chủ động phòng tránh mụn
Trong trường hợp không rõ tình trạng da và nguyên nhân khiến da nổi mụn, BS Kim Anh khuyến cáo người dân nên đi khám để có kế hoạch chăm sóc da tốt hơn hoặc được tư vấn lộ trình điều trị cụ thể.
Để có một làn da khỏe, vị chuyên gia lưu ý chúng ta nên ngủ sớm hơn. Sự thay đổi đơn giản này giúp cơ thể đào thải được độc tố ra ngoài.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh tiêu thụ rượu bia hoặc chất kích thích. Những sản phẩm này khiến hệ nội tiết bị ức chế và gây mụn. Đồng thời, việc uống từ 2 đến 3 l nước mỗi ngày cũng có tác dụng thanh lọc và hạ nhiệt cho cơ thể.
"Tiêu chí để có làn da đẹp là da phải khỏe", BS Kim Anh nhấn mạnh.
Từ đây, bác sĩ này khuyến cáo mọi người dân nên duy trì thực hiện một số phương pháp gồm:
- Cấp ẩm toàn diện cho da, giảm tình trạng khô da khi chuyển mùa.
- Uống đủ nước giúp cơ thể đào thải độc tố, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bổ sung vitamin cho cơ thể, như: Vitamin B, C từ cam quýt, ớt, cà chua; Vitamin E trong đậu nành, ngũ cốc, các loại hạt tăng cường độ ẩm cho da, chống oxy hóa, giảm sự hình thành sắc tố da.
- Dùng nước hoa hồng để làm mát và dịu làn da bị kích ứng, phù hợp với da đang bị mụn trứng cá. Một cách khác là dùng giấm táo để làm sạch da, tiêu diệt nấm, vi khuẩn. Dùng muối biển để chăm sóc da, tẩy da chết hiệu quả, làm sạch lỗ chân lông.
- Mọi người cũng cần lưu ý tuyệt đối không tự nặn mụn tại nhà.