Bệnh ấu trùng di chuyển có nguồn lây từ phân thải ra môi trường của chó mèo. Con người có thể bị nhiễm bệnh khi ấu trùng từ đất xâm nhập vào da.
Ấu trùng di chuyển gây ra các phản ứng viêm dọc theo đường đi ở da. Phản ứng viêm này có thể tiếp tục diễn ra trong vài tuần. Một số trường hợp xâm nhập vào mô sâu hơn, có thể gây ra tổn thương ở phổi nhưng rất hiếm.
Tất cả lứa tuổi đều có thể bị nhiễm nếu cơ thể có cơ hội tiếp xúc với nguồn lây. Ở vùng nhiệt đới như Việt Nam, khí hậu nóng ẩm quanh năm là điều kiện rất thuận lợi để ấu trùng phát triển và xâm nhập khi có cơ hội.
Biểu hiện nhiễm bệnh ấu trùng di chuyển ở da
Quá trình xâm nhập vào da diễn ra như sau: Trứng của ấu trùng di chuyển theo phân của động vật bị nhiễm giun thải ra ngoài môi trường như đất cát ẩm ướt. Đây là môi trường thuận lợi để ấu trùng sinh trưởng và phát triển.
Trong quá trình đó ấu trùng vô tình gặp vật chủ (cơ thể người tiếp xúc), chúng sẽ xâm nhập qua lỗ nang lông, trên da bị vết thương hở, thậm chí qua cả da lành.
Vài ngày sau khi xâm nhập, chúng bắt đầu di chuyển dưới da tạo nên đường hầm chúng ta nhìn thấy ngoài da là các vết ngoằn ngoèo.
Khi ấu trùng xâm nhập qua da, người bệnh cảm thấy ngứa tại vùng ấu trùng xâm nhập. Sau đó cũng tại vị trí đó xuất hiện các sẩn đỏ như muỗi cắn.
Một số hình ảnh minh họa. |
Vài ngày sau, ấu trùng bắt đầu hoạt động. Bệnh nhân ngứa dữ dội và xuất hiện các vết ngoằn ngoèo trên da. Các dấu hiệu này thường tồn tại khoảng vài tuần do ấu trùng không trưởng thành được trong cơ thể người. Bệnh thường tự khỏi, hiếm khi có biến chứng.
Về biểu hiện lâm sàng, người bệnh thường nhận thấy ngứa rất nhiều khoảng 98-100% bệnh nhân có triệu chứng này. Thường gặp ở chi dưới, đặc biệt là bàn chân. Ngoài ra có thể gặp ở mông, sinh dục; thân và chi trên rất ít gặp.
Tổn thương sưng đỏ, phù nề tại chỗ, có thể bị bội nhiễm, mưng mủ. Chiều rộng thương tổn khoảng 2 mm, chiều dài có thể từ 15mm tới 20 mm. Tổn thương có thể nối dài thêm 1-2 cm mỗi ngày nên người bệnh thường hoang mang, lo sợ.
Thương tổn mới nối dài có màu đỏ, thương tổn cũ ít đỏ hơn và xẹp dần. Tổn thương có thể trở nên chàm hóa, đóng vảy tiết.
Bệnh ấu trùng di chuyển ở da có thể tự thoái triển trong 2-8 tuần kể cả không điều trị, một số trường hợp có thể kéo dài hơn. Triệu chứng trên da có thể tồn tại dai dẳng từ vài tuần đến vài tháng sau đó.
Nhưng đôi khi, ấu trùng có thể tồn tại trong nang lông và gây bệnh kéo dài đến 2 năm. Viêm nang lông do ấu trùng giun móc là một dạng hiếm gặp ở bệnh ấu trùng di chuyển ở da (khoảng 5%). Tổn thương có thể ở nhiều nang lông, có ban đỏ, sẩn ngứa và mụn mủ và thường gặp ở mông.
Biến chứng hay gặp nhiễm bệnh ấu trùng di chuyển ở da
Biến chứng hay gặp nhất nhiễm bệnh ấu trùng di chuyển ở da là nhiễm trùng thứ phát tại vùng tổn thương. Phản ứng dị ứng tại chỗ hoặc toàn thân như mày đay.
Biến chứng phổi là sự lây nhiễm vào máu sau đó đi đến phổi là biến chứng hiếm gặp của nhiễm ấu trùng di chuyển ở da. Các biểu hiện hay gặp nhất là ho khan, triệu chứng này sẽ bắt đầu khoảng một tuần sau khi ấu trùng xâm nhập qua da. Ho thường kéo dài từ một đến hai tuần nhưng có thể hiếm khi kéo dài đến chín tháng.
Chẩn đoán tổn thương phổi thường được đặt ra khi có các triệu chứng hô hấp ở những bệnh nhân có tổn thương da điển hình của bệnh ấu trùng di chuyển.
Ngoài ra đã có bệnh nhân bị ấu trùng di chuyển rải rác khắp cơ thể khiến cho bệnh nhân rất lo lắng sợ hãi mất ngủ và cho rằng mình bị ung thư da.
Chẩn đoán và điều trị nhiễm bệnh ấu trùng di chuyển ở da
Dựa vào tiền sử có tiếp xúc với đất, cát ẩm ướt, nơi có thể có phân chó, mèo và đặc biệt là dựa vào các thương tổn da tìm thấy ở nơi ấu trùng xâm nhập, bệnh nhân còn được chỉ định làm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.
Về điều trị, thường các bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc diệt ấu trùng, thuốc kháng histamin điều trị triệu chứng ngứa. Kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân trong trường hợp bội nhiễm.
Bệnh ấu trùng di chuyển là một bệnh da lành tính có thể tự khỏi sau vài tuần, tuy nhiên bệnh gây ngứa rát và có hình ảnh ngoằn ngoèo dưới da khiến bệnh nhân lo sợ ảnh hưởng tâm lý và cuộc sống của người bệnh.
Để phòng bệnh, người dân không nên đi chân đất, dùng găng tay khi tiếp xúc với đất cát phân động vật. Cần đi giày dép, găng tay khi làm vườn, không nên tiếp xúc trực tiếp da, niêm mạc với đất, cát nơi có thể có ấu trùng giun của chó, mèo khu trú.
Khi bị bệnh hoặc nghi ngờ có biểu hiện nhiễm giun cần đến các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời.