Chiều 28/12, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết cảnh sát đang củng cố hồ sơ liên quan bệnh nhân 1440. Sau khi căn cứ đủ định lượng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Bệnh nhân 1440 (nam, 32 tuổi) nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào An Giang bằng xuồng vào rạng sáng 24/12. Sau đó, bệnh nhân lên xe tải chở hàng đi TP.HCM rồi về Vĩnh Long bằng xe 16 chỗ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hành vi của bệnh nhân 1440 sẽ bị xử lý ra sao?
Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh. Ảnh minh họa: Hoàng Giám. |
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), việc làm của bệnh nhân 1440 thể hiện sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
"Trốn tránh cách ly, cản trở hoạt động cách ly, không tuân thủ quy định về cấm tập trung đông người, gian dối trong khai báo y tế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng phải bị xử lý hình sự", luật sư nhận định.
Ông Cường phân tích sau khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TAND Tối cao đã có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, người trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly, từ chối, trốn tránh biện pháp cách ly, không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi vi phạm quy định theo điểm c, khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Luật sư cho rằng nếu cơ quan chức năng xác định bệnh nhân 1440 không biết bản thân mắc Covid-19 nhưng nhập cảnh trái phép và vi phạm các quy định về cách ly, thì người này có thể chỉ bị phạt hành chính.
Nếu bệnh nhân biết mình nhiễm bệnh hoặc biết bản thân đã tiếp xúc với người mắc Covid-19, đi qua vùng có dịch nhưng sau khi nhập cảnh trái phép đã trốn tránh cách ly và khai báo gian dối, hậu quả làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì cơ quan chức năng cần xử lý hình sự về hành vi Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người.
Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự, người phạm tội trên sẽ bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù lên đến 12 năm.
Luật sư Cường đánh giá giữa lúc Chính phủ đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, hành vi của những trường hợp như bệnh nhân 1440 càng khiến thành quả chống dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Đây là thời điểm gần Tết và sắp diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, bởi vậy việc áp dụng chế tài cứng rắn, nghiêm khắc đối với người vi phạm quy định phòng, chống dịch là rất cần thiết", luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận.
Bệnh nhân 1440 được cách ly tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Minh Anh. |
Đối với cáo buộc nhập cảnh trái phép, luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng bệnh nhân 1440 từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở đã vi phạm Điều 4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.
Theo Điều 17 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ, người nhập cảnh trái quy định mà không làm thủ tục với cơ quan chức năng sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Nếu sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh thì bị phạt 30-40 triệu.
Trong trường hợp người nhập cảnh trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng tái phạm, thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, theo Điều 347 Bộ luật Hình sự, với hình phạt gồm phạt tiền tối đa 50 triệu đồng hoặc phạt tù đến 3 năm.
Rạng sáng 24/12, bệnh nhân 1440 vượt biên trái phép từ Campuchia vào Việt Nam bằng xuồng tại khu vực biên giới tỉnh An Giang. Sau đó, bệnh nhân ngồi xe 7 chỗ về TP.HCM rồi đi Vĩnh Long bằng xe 16 chỗ.
Khoảng 8h, bệnh nhân dừng chân tại khu vực cổng chào tỉnh Vĩnh Long ở phường Tân Ngãi, TP Vĩnh Long, sau đó được xe ôm chở về thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít.
Từ thông tin gia đình cung cấp, cơ quan chức năng đưa bệnh nhân đi cách ly tập trung vào tối 24/12.