Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết các bác sĩ đang rất nỗ lực để điều trị cho bệnh nhân 1465 (nữ, 61 tuổi, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) do diễn biến bệnh khá phức tạp.
5 ngày sau khi được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp và phải hỗ trợ thở oxy. Dù vậy, tình trạng mệt cơ tăng lên khiến bệnh nhân phải thở máy. Đáng chú ý, bệnh nhân này có tiểu sử từng cắt một phần tuyến giáp.
“Tổn thương phổi của bệnh nhân này khá rộng, đồng thời suy hô hấp nặng. Việc thở máy có thể giúp bệnh nhân kiểm soát hô hấp. Do thể trạng của bệnh nhân không tốt, bệnh viện luôn phải sẵn sàng cho những tình huống bệnh diễn biến xấu. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu, chúng tôi sẽ lập tức triển khai ECMO”, thạc sĩ Cấp nói.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp (thứ 2 bên trái) báo cáo tình hình điều trị bệnh nhân 1465 tiên lượng nặng với ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: Quốc Toàn. |
Bên cạnh tổn thương phổi rộng trên 75%, tình trạng hiện tại của người phụ nữ này khá xấu do trao đổi oxy máu kém, các chỉ số xét nghiệm cho thấy bão cytokine tương đối trầm trọng. Ngoài ra, việc bệnh nhân từng bị cắt một phần tuyến giáp cũng yêu cầu các bác sĩ đánh giá tuyến cận giáp có bị ảnh hưởng hay không. Việc cơ quan này bị ảnh hưởng có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải hay một số triệu chứng khác.
Ban đầu, các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dự định sẽ sử dụng kháng thể trung hòa từ huyết tương hiến tặng cho bệnh nhân này. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy kháng thể của bệnh nhân đã tương đối mạnh. Do đó, việc thêm kháng thể từ bên ngoài vào không đem lại nhiều lợi ích. Ngoài ra, các nguy cơ của liệu pháp này cũng không nhỏ.
Thạc sĩ Cấp giải thích: “Khi bị virus xâm nhập, một thời gian sau, cơ thể người bệnh mới có thể sinh kháng thể nhằm tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, quá trình đáp ứng miễn dịch bị rối loạn sẽ dẫn đến bão cytokine và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân. Về cơ bản, việc điều trị Covid-19 bằng huyết tương chính là sử dụng kháng thể của người đã khỏi làm giảm lượng virus ở người đang mắc bệnh. Do đó, khi bệnh nhân đã sinh được kháng thể tốt, liệu pháp này không còn cần thiết nữa”.
Theo vị chuyên gia này, khi dự định áp dụng một phương pháp điều trị nhất định, các bác sĩ luôn phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Chỉ khi lợi ích lớn hơn nguy cơ, biện pháp đó mới được chỉ định áp dụng. Trong trường hợp này, các bác sĩ đã quyết định không sử dụng huyết tương người khỏi cho bệnh nhân.
Ngoài ra, một phương pháp cũng được sử dụng cho bệnh nhân này là thuốc remdesivir. Đây là loại thuốc kháng virus dạng truyền tĩnh mạch đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) tại Mỹ cho phép sử dụng trong điều trị Covid-19.
Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy loại thuốc này có thể giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian mang triệu chứng của bệnh, đồng thời cải thiện phần nào diễn biến bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ đây chỉ là một trong những phương án nhằm hỗ trợ thêm do sức khỏe của bệnh nhân 1465 đã diễn biến nặng.
“Chi phí cho một liệu trình của loại thuốc này khoảng vài nghìn USD. Dù có lợi ích, hiệu quả của chúng không tương xứng với giá cả. Do đó, chúng ta chỉ nhập về một số lượng nhỏ và sử dụng cho các trường hợp đặc biệt”, ông nói.