Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nhân bị khỉ cắn nát tay

Lần đầu tiên khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị khỉ cắn nát tay.

Cách đây khoảng 20 ngày, chị N.T.H (32 tuổi, quê Thanh Hóa) bị khỉ nuôi nhà hàng xóm cắn nát tay. Đây không phải lần đầu tiên con khỉ này cắn người và để lại vết thương.

Ngay sau đó, bệnh nhân đã được người nhà đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân H. được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng tỉnh táo, vết thương vùng cánh tay trái dài gần 15 cm và đã dập nát.

ThS.BS Đỗ Thị Ngọc Linh - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết đây là lần đầu tiên khoa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị khỉ cắn.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ của Khoa đã tiến hành phẫu thuật, tìm và nối các nhánh thần kinh và cơ vùng cánh tay bị đứt; sử dụng kính hiển vi để nối các bó sợi thần kinh rất nhỏ.

Benh nhan bi khi can nat tay anh 1
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Linh, bệnh nhân được tư vấn tiêm phòng dại tại trung tâm y tế dự phòng. Hiện tại, sau 20 ngày điều trị, vết thương vùng tay đã khô, bệnh nhân đã được ra viện và khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ để đánh giá khả năng phục hồi của thần kinh (thần kinh trụ, thần kinh giữa, thần kinh bì cẳng tay trong bên trái…).

"Tuy nhiên, khả năng phục hồi đánh giá không khả quan vì tổn thương cao, tốc độ phục hồi thần kinh chậm. Bệnh nhân có khả năng giảm chức năng của cẳng và bàn tay trái. Chức năng vận động của cẳng tay và bàn tay sẽ không bao giờ trở lại như bình thường”, ThS.BS Đỗ Thị Ngọc Linh chia sẻ.

Khi nghĩ tới nguy cơ lây bệnh dại, nhiều người thường nghĩ ngay tới các loại vật nuôi như chó mèo. Thực tế, những loại vật bán hoang dã xung quanh chúng ta như chuột, khỉ, sóc… cũng có thể lây truyền bệnh dại.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân khi bị các con vật này cắn phải tiêm ngừa kịp thời. Ngoài nguy cơ lây truyền bệnh dại, vết thương do khỉ cắn có thể nhiễm trùng, đặc biệt là uốn ván. Vì vậy, khi bị khỉ cắn, người dân nên tiêm phòng vắc xin uốn ván để phòng ngừa.


Huệ Nguyễn

Bạn có thể quan tâm