Sau sự cố y khoa nghiêm trọng làm 8 bệnh nhân tử vong trong số 18 bệnh nhân đang lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Đơn nguyên chạy thận nhân tạo phải tạm dừng hoạt động 9 tháng đã vận hành trở lại từ chiều 22/3. |
Hiện đơn nguyên này vận hành 17 máy chạy thận nhân tạo, trong đó có 10 máy do Bộ Y tế cấp và 7 máy cũ đã được sửa chữa, bảo trì. Trước khi vận hành chạy thận cho bệnh nhân, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã kiểm tra hệ thống nước, các chỉ số, hoá chất... Toàn bộ hệ thống lọc nước RO đã được đầu tư mới hoàn toàn. |
Theo một bác sĩ tại khoa, hiện tại đơn nguyên điều trị cho 92 bệnh nhân, chia làm 3 ca, mỗi ca chạy 3,5-4 giờ. Cơ sở vật chất đổi mới, khang trang, sạch sẽ hơn so với trước kia, khoa được đầu tư 3 phòng lọc máu lớn giúp y bác sĩ tiện theo dõi, di chuyển, tuy nhiên mới có 1 phòng được đưa vào sử dụng. |
Về ê-kíp vận hành hệ thống, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết hiện tại đơn nguyên đang nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai. Các chuyên gia này sẽ hỗ trợ về chuyên môn và tham gia giám sát các ca chạy thận. Y bác sĩ và điều dưỡng cũng được gửi đi đào tạo, đưa quy trình mới từ bệnh viện Bạch Mai về áp dụng. |
Trong 6 tháng kể từ ngày hoạt động trở lại, khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai sẽ trực tiếp triển khai công tác khử khuẩn, vệ sinh và làm sạch hệ thống bao gồm: màng RO, bồn chứa nước, đường ống dẫn nước RO. Sau đó, bệnh viện Bạch Mai sẽ bàn giao lại để Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp quản thực hiện. |
Là một trong số 10 bệnh nhân còn sống sót sau sự cố y khoa, bà Bùi Thị Phân (55 tuổi, xã Trí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những hình ảnh ngày hôm đó. "4 năm chạy thận tại đây, chưa bao giờ chúng tôi hoảng sợ như vậy, mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ trong chốc lát đã mất đi 8 người bạn mà tuần nào cũng cùng nhau 3 buổi đến đây lọc máu. Nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn bị ám ảnh vì những cái chết của họ", bà Phân nhớ lại. |
Bà Phân cho biết mình được đưa về bệnh viên Bạch Mai điều trị gần 3 tháng, sức khỏe đã dần hồi phục nhưng vẫn giảm sút nhiều so với trước đây. Người phụ nữ này không oán giận các bác sĩ, trái lại bà Phân rất cảm kích các bác sĩ và điều dưỡng đã cấp cứu kịp thời cho mình. "Tôi hiểu sự cố này không phải do các bác sĩ gây ra nên sao lỡ trách mắng họ. Những năm qua được các y bác sĩ chăm sóc tận tình tôi rất cảm động. Nếu được gặp bác sĩ Hoàng Công Lương, tôi muốn nói lời cảm ơn", bà Phân tâm sự. |
5 năm ròng mỗi tuần 3 buổi đều đặn đưa chồng vào viện lọc máu, bà Phạm Thị Lươc (79 tuổi, tổ 19, Phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) cảm thấy may mắn vì chồng mình không có lịch điều trị trong ngày 29/5 định mệnh. Sau sự cố, chồng bà Lược được chuyển về Bệnh viện Thận Hà Nội, rồi tiếp tục về Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình. Từ 22/3 được về chạy thận tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bà Lược mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì đi lại thuận lợi và đỡ tốn kém hơn. Khi được hỏi bà có lo lắng vì cho chồng quay trở lại đây chạy thận sau sự cố kinh hoàng, bà chỉ cười hiền và nói: "Cả tôi và chồng tâm lý đều rất thoải mái, không lo sợ mà càng tin tưởng điều trị ở đây hơn trước. Phòng ốc, máy móc đều mới, được kiểm tra thường xuyên nên rất yên tâm chữa bệnh". |
"Bệnh nhân ở đây rất thương các bác sĩ, nhiều năm năm gắn bó chúng tôi coi nơi này như ngôi nhà thứ hai của mình. Những chuyện đã xảy ra chúng tôi cũng bảo nhau không suy nghĩ, không có gì cần phải lo lắng vì từ trước đến nay các bác sĩ luôn tận tâm và chăm sóc bệnh nhân chu đáo. Khi bác sĩ Lương tới thăm khám, chúng tôi cư xử thân mật như trước đây và động viên bác sĩ sớm vượt qua sóng gió", đó là lời bộc bạch của bệnh nhân Bùi Thị Út, 70 tuổi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. |