Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Indonesia bị chửi bới, dọa giết mỗi ngày

Sau khi bị lộ thông tin cá nhân, 3 mẹ con bà Darmaningsih, những người đầu tiên nhiễm virus tại Indonesia, phải đối mặt với vô số tin nhắn, bình luận miệt thị, ghét bỏ.

Zing trích dịch bài viết Indonesia’s first 3 COVID-19 patients open up about online hate and stigmatisation của tác giả Kiki Siregar đăng trên CNA, nói về sự kỳ thị và nạn bắt nạt trực tuyến mà các bệnh nhân Covid-19 phải đối mặt.

"Vì cô mà đám cưới của tôi phải hủy".

"Vì cô mà tôi chưa thể tốt nghiệp".

"Vì cô mà tôi thất nghiệp".

Đó chỉ là một phần trong rất nhiều tin nhắn tiêu cực mà Sita Tyasutami nhận được từ tháng trước. Cô thậm chí còn bị dọa giết.

Người phụ nữ 30 tuổi này là người đầu tiên dương tính với virus corona tại Indonesia. Đến nay, tuy đã khỏi bệnh nhưng Tyasutami vẫn thường xuyên nhận được những tin nhắn ghét bỏ, đe dọa.

"Chúng đôi lúc khiến tôi bực bội", cô trả lời phỏng vấn CNA qua điện thoại hôm 6/4.

Tyasutami, một vũ công chuyên nghiệp, được xác nhận nhiễm virus vào hôm 2/3, sau vài ngày bị ốm.

Khi Tổng thống Joko Widodo công bố thông tin rằng nước này có 2 trường hợp Covid-19 đầu tiên, Tyasutami thậm chí còn chưa biết mình mắc bệnh.

Dù cô và mẹ mình, bà Maria Darmaningsih (bệnh nhân số 2 ở Indonesia), đã được đưa đến phòng cách ly tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Sulianti Saroso ở Jakarta, cả 2 đều không nghĩ rằng mình nhiễm corona.

benh nhan covid bi ky thi anh 1

Sita Tyasutami (phải), Maria Darmaningsih (giữa) và Ratri Anindyajati (trái) là ba bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Indonesia.

Chị gái của Tyasutami, Ratri Anindyajati (một nhà sản xuất và quản lý nghệ thuật độc lập), là người đã thông báo tin nhiễm bệnh cho 2 mẹ con.

"Ratri gọi cho tôi và rất lo lắng. Tôi đã bật TV và thấy tin tổng thống công bố 2 trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19. Tôi bị sốc và gần như suy sụp", bà Darmaningsih (64 tuổi) kể.

Một y tá đã có mặt lúc con gái gọi điện thông báo cho bà Darmaningsih, song cô cũng không dám xác nhận bệnh tình của 2 mẹ con.

Tên, số điện thoại, địa chỉ nhà bị tung lên mạng

Tổng thống Widodo không đề cập đến tên của 2 trường hợp nhiễm virus đầu tiên trong nước.

Nhưng chỉ vài phút sau, các tin nhắn bắt đầu lưu hành trên WhatsApp tiết lộ tên viết tắt của Tyasutami và Darmaningsih. Hồ sơ sức khỏe và địa chỉ nhà đầy đủ của họ cũng bị công khai sau đó.

Vài giờ sau khi ông Widodo đưa ra thông báo, Bộ trưởng Y tế cũng đã tổ chức một cuộc họp báo tiết lộ chi tiết và lịch sử y tế của bệnh nhân số 1 và 2. Những gì được công bố hoàn toàn trùng khớp với thông tin về Tyasutami và Darmaningsih.

"Tôi đã hỏi y tá liệu rằng có những bệnh nhân khác đang điều trị trong bệnh viện không. Y tá đã nói không và vì vậy chắc chắn đó phải là chúng tôi", Tyasutami kể.

Ở giai đoạn đầu, các y tá cho biết họ không có thông tin chi tiết về những gì đang xảy ra.

Những điều không suôn sẻ liên tiếp ập đến với mẹ con Tyasutami. Hàng loạt tin nhắn với đủ các thắc mắc, câu hỏi được gửi đến số điện thoại của 2 người.

Các phóng viên đổ xô đến nhà họ ở thành phố Depok, ngoại ô Jakarta, trong khi các quan chức y tế khẩn trương khử trùng khu vực và kiểm tra mọi người sống tại đó, bao gồm cả chị gái của Tyasutami, Anindyajati.

Anindyajati (33 tuổi) cư trú tại Vienna, Áo nhưng đã ở Indonesia từ tháng 2 để giải quyết công việc và vấn đề gia đình. Giữa tháng 2, cả 3 mẹ con có các triệu chứng nhức mỏi, rát họng và ho.

Đến ngày 27/2, Anindyajati đã hồi phục và đưa mẹ cùng em gái đến khám tại bệnh viện địa phương ở Depok. Ban đầu, Tyasutami được chẩn đoán viêm phế quản, còn bà Darmaningsih bị sốt phát ban.

Cả 2 đều phải nhập viện. Vài ngày sau, Tyasutami nghe thông tin trong sự kiện khiêu vũ cô từng tham dự có người dương tính với virus corona.

Tyasutami không biết người phụ nữ này nhưng ngay lập tức cô nghĩ mình cũng có nguy cơ bị lây bệnh.

Sau đó, 2 mẹ con cô được chuyển đến Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Sulianti Saroso. Khi cả 2 đều cho kết quả dương tính, cô chị Anindyajati cũng được lấy mẫu xét nghiệm.

Kết quả cho thấy Anindyajati cũng nhiễm virus corona. Cô cũng được điều trị tại Bệnh viện Sulianti Saroso từ ngày 5/3 và trở thành bệnh nhân số 3 của Indonesia.

Khóa trang cá nhân, không dám đọc tin nhắn

Trong số 3 mẹ con, Tyasutami là người có triệu chứng nặng nhất. "Khi nhập viện, tôi chỉ bị ho. Nhưng khi được thông báo dương tính và phải đối mặt với sự kỳ thị xung quanh, tôi đã rất căng thẳng. Sức khỏe tôi tồi tệ hơn trong những ngày đầu", Tyasutami cho biết.

Dân mạng kéo vào tấn công các tài khoản mạng xã hội của Tyasutami. Họ gửi đến những tin nhắn chỉ trích và đổ lỗi cho gia đình Tyasutami đã mang dịch bệnh về nước. Quá áp lực, 9X đã phải chuyển trang cá nhân về chế độ riêng tư.

"Tôi bị huyết áp cao đến mức có thể nghe, cảm thấy tim mình đập mạnh và nhanh. Tôi bắt đầu nôn mửa vì quá căng thẳng", Tyasutami nói.

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để vượt qua sự kỳ thị và chiến đấu với bệnh tật, Tyasutami nói cô đã cố gắng nhìn vào những điều tích cực.

benh nhan covid bi ky thi anh 4

3 mẹ con Sita Tyasutami động viên nhau khi cùng điều trị tại Bệnh viện Sulianti Saroso.

"Ban đầu rất khó khăn, nhưng mẹ, chị gái, gia đình và cả bạn bè đều ủng hộ tôi", 9X nói. Thay vì đọc và quá chú tâm vào những tin nhắn miệt thị, 3 mẹ con Tyasutami bắt đầu chia sẻ những thông điệp tích cực trên mạng xã hội. Họ cũng trả lời những tin nhắn hỏi thăm, thắc mắc về các triệu chứng bệnh.

Mỗi người ở một phòng nhưng 3 mẹ con vẫn có thể nhìn thấy nhau khi ở cùng một tầng. Họ cùng nhau tập yoga, ngồi thiền, trang điểm và nhảy mỗi ngày để quên đi những tin nhắn chỉ trích, miệt thị.

"Gia đình là yếu tố quan trọng nhất để chúng tôi hồi phục", Tyasutami nói.

Ngày 13/3, 2 chị em Tyasutami được xuất viện. Họ vui mừng nhưng cũng lo lắng, áy náy vì bỏ mẹ lại một mình trong bệnh viện.

Nhưng cũng chỉ 3 ngày sau, bà Darmaningsih đã hồi phục và được trở về nhà.

Trong thời gian được khuyến khích ở nhà, cả 3 mẹ con đang cố gắng thực hiện các chiến dịch tích cực để chống lại những thông điệp thù địch mà họ vẫn đang nhận được mỗi ngày.

Nhiều người đã tiếp cận chị em Tyasutami để cổ động cho những dự án gây quỹ cho bệnh nhân Covid-19. Một số bệnh nhân nói rằng họ cảm thấy có hy vọng hơn nhờ câu chuyện của gia đình Tyasutami.

"Khi các chiến dịch tích cực bắt đầu, nhiều người nói rằng nghe những câu chuyện của chúng tôi khiến họ cảm thấy rất bình tĩnh. Chúng tôi cứ tiếp tục đi vì biết tất cả chúng ta đều đang trong cùng một cảnh ngộ", Anindyajati chia sẻ.

Người Vũ Hán đổ xô kết hôn làm sập hệ thống đăng ký khi hết phong tỏa

Chuyên gia cảnh báo việc vội vàng kết hôn hay tham gia hoạt động đông người để giải tỏa sau thời gian dài cấm vận, sẽ gây nguy hiểm khi dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm