Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, về câu chuyện các bệnh nhân khác tại thành phố Vũ Hán khi dịch bệnh bùng phát. Những người này không mắc virus corona nhưng đang phải chịu đau đớn kéo dài vì không có đủ bác sĩ, thuốc thang để chữa trị cho họ.
Trong các khu vực cách ly tại nhiều bệnh viện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), số lượng bệnh nhân chống chọi với virus corona tăng lên mỗi ngày. Dịch bệnh nguy hiểm vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Song, đối với các bệnh nhân khác, những người nằm viện nhưng lý do không phải là do mắc viêm phổi corona, tình hình có chiều hướng tồi tệ hơn.
Tháng 5 năm ngoái, sinh viên Wan Ruyi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Cô gái 21 tuổi đã nằm ở bệnh viện Vũ Hán trong 10 tháng qua và hiện tại, khi tình hình bệnh ngày càng xấu đi, cô đang rất cần được ghép tủy xương.
Wan Ruyi (21 tuổi) đang rất cần được ghép tủy xương nhưng việc phẫu thuật vẫn chưa được tiến hành do các bác sĩ đang tập trung vào cuộc chiến chống corona. Ảnh: Weibo. |
“Wan đã trải qua 3 đợt ghép nhưng lần cuối cùng không thành công. Tuần trước, khả năng lần ghép thứ tư cũng khó được thực hiện”, Wu Qiong, mẹ của Wan cho hay.
Bệnh viện nơi cô gái nằm là một trong những nơi đầu tiên ở Vũ Hán được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Các bác sĩ nói với gia đình rằng việc cấy ghép đã dừng lại vì không có đủ nhân viên y tế. Nhà của Wan tính đến việc chuyển sang một bệnh viện khác ở tỉnh Hồ Bắc nhưng khi Vũ Hán bị phong tỏa, cơ hội cũng không còn.
Cuối tuần trước, Wan chịu đựng đau đớn kéo dài trong nhiều giờ liền, khiến cô gái trẻ cảm thấy kiệt sức và tuyệt vọng.
“Mỗi ngày chôn chân ở bệnh viện khiến tôi thấy buồn bã, bất lực khi nhìn con gái đau đớn mỗi ngày. Tình trạng của con bé ngày càng không ổn định”, bà Wu nói.
Wan chỉ là một trong số hàng nghìn bệnh nhân cần điều trị khẩn cấp ở Vũ Hán. Tuy nhiên, khi lực lượng y tế tại mọi nơi trên Trung Quốc đều lao vào cuộc chiến chống lại virus corona, những người bệnh này vô tình bị bỏ rơi.
Họ bao gồm những người mắc ung thư hay các bệnh nặng khác như động kinh. Một số bệnh nhân tuyệt vọng buộc phải lên mạng xã hội cầu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nơi khác trong nước.
Nhiều bệnh nhân cảm thấy tuyệt vọng khi thiếu bác sĩ, y tá chăm sóc. Ảnh: Reuters. |
Đối với bệnh nhân 81 tuổi Fu Daoshun, dịch bệnh bùng phát đồng nghĩa với việc ông không còn được tiêm thuốc hàng ngày để điều trị bệnh máu khó đông.
Khi bệnh viện Puai, nơi ông Fu đang nằm điều trị được chỉ định thành trung tâm điều trị virus corona từ ngày 23/1, số thuốc được ưu tiên cho bệnh nhân mới của dịch viêm phổi.
Hiện tại, tất cả những gì người đàn ông 81 tuổi có thể làm là nằm trên giường.
“Ông tôi bị cơn đau hành hạ sau nhiều ngày không tiêm thuốc. Ngay cả bây giờ chuyển ông đến một bệnh viện khác, điều ấy cũng quá nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm virus cao”, Fu Yufen, cháu gái ông Fu, cho biết.
“Vũ Hán đang bị phong tỏa, chúng tôi không thể ghé thăm ông. Chỉ còn mình bà tôi già yếu đang chăm sóc ông. Tôi thực sự lo sợ cả hai sẽ cùng ngã bệnh”, cô nói thêm.
Tình huống đã trở nên tồi tệ hơn đến mức vào cuối tuần trước, ông Fu buộc phải viết sẵn di chúc.
Sự gia tăng nhanh chóng của bệnh nhân nhiễm virus corona khiến lực lượng y tế ở Trung Quốc thiếu hụt trầm trọng. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia y tế cho biết mặc dù bệnh nhân nhiễm virus corona được ưu tiên, song những người mắc các chứng bệnh nghiêm trọng khác cũng cần được hỗ trợ.
Tang Shenlan, giáo sư tại Đại học Y khoa Duke (Mỹ), cho rằng “thật sai lầm khi tập trung vào các trường hợp nhiễm virus corona mà bỏ rơi các bệnh nhân khác”.
“Các bệnh viện ở Vũ Hán nên tìm một cách phù hợp để cung cấp các biện pháp chữa trị thiết yếu cho những bệnh nhân này, ví dụ như sử dụng điện thoại để điều trị và chẩn đoán từ xa, bao gồm cả viết đơn thuốc”, ông nói.
Yao Zelin, giáo sư Xã hội học tại Đại học Đông Trung Quốc ở Thượng Hải, đánh giá hệ thống y tế cần phải được cải thiện ở cấp cơ sở.
“Chính phủ chỉ tập trung vào xây dựng các bệnh viện lớn chứ không phải mạng lưới các phòng khám. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp khẩn cấp như dịch viêm phổi corona, chỉ có bệnh viện lớn mới có thể làm nơi khắc phục dịch bệnh. Sự gia tăng nhanh chóng đến quá tải của số lượng bệnh nhân khiến cả lực lượng y tế lẫn số thuốc dự trữ đều thiếu thốn trầm trọng”, ông Yao cho hay.