Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy trình điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu methanol

Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân ngộ độc rượu methanol sẽ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Methanol được dùng như dung môi trong công nghiệp, pha sơn, lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, dung dịch mực in cho máy photocopy, nhiên liệu cho các bếp lò nhỏ. Đây là chất cấm không được dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, chúng được dùng để tạo ra rượu thay cho phương pháp thông thường.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay rượu pha chế cồn công nghiệp methanol được bán trôi nổi nhiều trên thị trường. Đáng lo ngại, một số trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dl dẫn đến tử vong. Nhiều ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng rất nặng nề.

Ngoài các biểu hiện như hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, bệnh nhân ngộ độc rượu methanol còn được chẩn đoán khi có các biểu hiện như tình trạng nhiễm toan nặng dần hoặc có rối loạn về nhìn, nhiễm toan chuyển hóa, có khoảng trống thẩm thấu tăng.

Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, để xác định ngộ độc methanol, trước hết, bệnh nhân được làm các xét nghiệm, thăm dò cần thiết như xét nghiệm công thức máu, urê, đường, điện tim, tổng phân tích nước tiểu…

Sau khi được xác định ngộ độc do methanol, bệnh nhân được ổn định và điều trị triệu chứng, hồi sức hô hấp - tuần hoàn, tẩy độc và tăng thải trừ chất độc, dùng thuốc giải độc…

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần được điều trị khẩn cấp dựa trên lâm sàng và các xét nghiệm có sẵn, không chờ kết quả tìm methanol trong máu. Trong đó, lọc thận nhân tạo là phương pháp điều trị rất quan trọng.

“Những chất có trọng lượng phân tử nhỏ, không gắn với protein và tan trong nước có thể lọc rất tốt qua thận nhân tạo. May mắn, methanol là một chất như vậy nên có thể áp dụng phương pháp này hiệu quả. Đặc biệt bệnh nhân ngộ độc methanol bị toan chuyển hóa rất nặng, bắt buộc phải dùng kỹ thuật thận nhân tạo”, tiến sĩ Dũng cho biết.

benh nhan ngo doc ruou methanol anh 1
Bệnh nhân đang được lọc thận nhân tạo tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: HQ.

Do đó, tại khoa Thận nhân tạo, bác sĩ Dũng thường ưu tiên cho các bệnh nhân nghi ngộ độc methanol. “Cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc methanol cần phải nhanh chóng. Nếu muộn họ có thể mất mạng hoặc để lại di chứng nặng nề. Trong khi đó, ngộ độc thường theo số đông do uống rượu tập thể, liên hoan. Do đó, chúng tôi luôn huy động máy móc sẵn sàng mỗi khi được báo cáo có bệnh nhân ngộ độc rượu methanol nhập viện”, tiến sĩ Dũng cho biết thêm.

Theo đó, bệnh nhân thường phải lọc máu kéo dài, ít nhất 6 tiếng một lần. Khi qua giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân mới được tiếp tục các phương pháp điều trị khác.

Chuyên gia khuyến cáo uống rượu gây rất nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Vì vậy, người dân nên tiết chế, điều độ. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ bóng mây sau vài tiếng uống rượu, người dân cần tới bệnh viện khám ngay.

Đặc biệt, khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc methanol, nhân viên y tế phải chuyển bệnh nhân tới trung tâm y tế có khả năng hồi sức và lọc máu sớm nhất khi có thể.

Uống rượu nhận tiền: Trò đùa thách thức sức khỏe Uống rượu nhận tiền là trò thách đố mới của giới trẻ. Trò chơi sẽ không còn vui nếu bạn nhận thức được ảnh hưởng nghiêm trọng của chúng với sức khỏe.

Cách phòng ngừa ngộ độc rượu:

- Không uống quá nhiều rượu (<30 ml/người/ngày nồng độ từ 30 độ trở lên).

- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,05% vì gây mù mắt và tử vong cao.

Các trường hợp không uống rượu:

- Rượu không rõ nguồn gốc.

- Khi đang đói, mệt hoặc căng thẳng.

- Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá, hay những rượu ngâm theo theo kinh nghiệm các nhân.

- Trẻ em dưới 16 tuổi.

- Người chưa đủ 18 tuổi không uống rượu hoặc các loại nước uống có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm