Các bác sĩ đang phẫu thuật để loại bỏ khối bướu giáp cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Vào 8/2, các bác sĩ khoa Tai mũi họng tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân T.T.L. (60 tuổi) để loại bỏ khối bướu giáp đa nhân - nang hỗn hợp có kích thước 10x7 cm.
Do lo lắng nhiều vấn đề, bệnh nhân L. dù phát hiện bản thân có khối bướu tuyến giáp đã không điều trị và chung sống với nó suốt 20 năm.
Gần đây, bệnh nhân L. thấy khối bướu phát triển ngày càng lớn khiến vùng cổ đau nhức, luôn có cảm giác nghẹn ở cổ khi thở và nuốt. Lúc này, bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Sau khi siêu âm, định lượng hormone tuyến giáp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bướu giáp đa nhân - nang hỗn hợp và phải mổ cắt bỏ khối u bướu. Trong quá trình phẫu thuật, nhận thấy tuyến giáp 2 thùy phì đại, rải rác nhiều u nang, các bác sĩ đã tiến hành cắt toàn bộ 2 thùy tuyến giáp và cả khối u.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Uông Hồng Hợp, phụ trách khoa Tai mũi họng, bướu giáp đa nhân được hình thành do sự tăng sản của các đơn vị nang tuyến giáp. Phần lớn người bệnh có bướu nhỏ, không có triệu chứng và không cần điều trị.
Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ là mắc bướu giáp đa nhân hoặc ung thư hóa. Ví dụ, trường hợp của người bệnh L. là một bướu giáp đa nhân khổng lồ rất ít gặp, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống như gây khó nuốt, khó thở, khàn giọng…
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, đặc biệt là người có bướu đa nhân, bướu kích thước lớn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và được điều trị phẫu thuật sớm.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.