Bác sĩ Phạm Ngọc Đan Thanh Phòng khám Mắt HYEC - 31 A Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP HCM đã đưa ra tư vấn cho độc giả Zing.vn về bệnh nhược thị.
- Độc giả Quỳnh Anh (quận 8, TP HCM): Con tôi 5 tuổi, vừa đi đo mắt thì được chẩn đoán có tình trạng nhược thị. Xin bác sĩ cho biết bệnh này nguy hiểm như thế nào và có thể chữa khỏi không?
- BS. Phạm Ngọc Đan Thanh: Nhược thị là tình trạng giảm thị lực do võng mạc không nhận được kích thích từ ngoài vào mắt. Sự giảm thị lực này không kèm theo tổn thương hoặc nếu có thì mức độ giảm thị lực đó nặng, không tương xứng với mức độ bệnh lý đi kèm. Trẻ bị nhược thị có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng.
Nguyên nhân gây nhược thị
Lác mắt hay lé mắt là nguyên nhân thường gặp nhất gây nhược thị. Ở Việt Nam có 2-4% trẻ bị lé, trong đó có 50% trẻ bị nhược thị. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh không nhận ra điều này, dẫn đến việc nhiều trẻ không được khám và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, bất đồng khúc xạ, khi mắt bị tật khúc xạ nặng, độ khúc xạ hai bên chênh lệch nhiều, võng mạc không nhận được hình ảnh rõ nét làm cho thị lực phát triển bất thường gây nhược thị.
Nhược thị là căn bệnh ngày càng phổ biến ở trẻ nhỏ. |
Ngoài ra, nhược thị có thể xảy ra do các bệnh lý ở mắt như sụp mi bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc. Trong trường hợp này, võng mạc không nhận được kích thích vì có sự cản trở đường đi của ánh sáng tới võng mạc, gây ra nhược thị.
Phát hiện sớm và phòng ngừa
Trẻ bị nhược thị có thể hay nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi còn bị nhức đầu, nhức mắt. Nếu trẻ bị lé hoặc có những bất thường ở mắt như sụp mi, đục thủy tinh thể, sẹo mờ đục giác mạc…, bố mẹ cần chú ý và đưa trẻ đi khám. Đôi khi, trẻ có thể tự phát hiện nhìn mờ khi xem tivi, đọc sách hoặc viết ở khoảng cách gần; trẻ cũng có thể có các biểu hiện như nheo mắt, chớp mắt, dụi mắt khi xem tivi, nghiêng đầu khi nhìn, nhìn bảng khó khăn, viết sai hàng… Khi có các biểu hiện trên, cha mẹ nên cho trẻ đi khám chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh không dễ vì nhiều trẻ không có biểu hiện khác thường nào về thị lực, nhất là khi chỉ bị một bên mắt. Vì vậy, cách tốt nhất là các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời những vấn đề về mắt.
Điều trị nhược thị
Điều trị nhược thị cần được tiến hành càng sớm càng tốt, thường là trước 10-12 tuổi, vì sau độ tuổi này, điều trị nhược thị không còn hiệu quả. Các yếu tố quyết định thành công của việc điều trị là sự hiểu biết và phối hợp của các bậc phụ huynh, độ tuổi của trẻ, mức độ nhược thị và các bệnh mắt kèm theo.
Kiểm tra mắt định kỳ là cách làm tốt nhất để phát hiện và phòng ngừa các bệnh về mắt. |
Ngoài điều trị nguyên nhân gây bệnh tại mắt, trẻ phải kích thích sử dụng mắt nhược thị bằng cách đeo kính và bịt mắt lành, tập chỉnh quang hoặc phẫu thuật… Trong các phương pháp điều trị cho trẻ nhược thị, phương pháp bịt mắt được coi là phổ biến nhất và đạt hiệu quả cao. Cho đến nay, bịt mắt vẫn là sự lựa chọn tối ưu trong điều trị nhược thị.
Hiện tại, phòng khám Mắt Hải Yến với các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị nhược thị cho trẻ đã chữa trị thành công cho nhiều trẻ em, đồng thời đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ cho việc điều trị nhược thị cùng với chuyên khoa lé, nhất là lé trẻ em, nhằm điều trị hiệu quả, mang lại chất lượng thị giác tốt nhất cho trẻ bị nhược thị.
Để hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ mắt phù hợp, báo Tri thức trực tuyến Zing.vn phối hợp với Hệ thống trung tâm Mắt Hải Yến thực hiện chương trình “Tư vấn các bệnh về mắt” trên chuyên mục Sức khỏe. PGS.TS.BS Trần Hải Yến - Bộ môn Mắt, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cố vấn cao cấp của Phòng khám Mắt Hải Yến cùng các bác sĩ, chuyên gia sẽ trả lời câu hỏi, thắc mắc của độc giả. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi trực tiếp về địa chỉ email suckhoe@zing.vn hoặc fanpage Haiyen Eye Center, 0913 666 665 và Trung tâm Mắt Kỹ thuật cao An Sinh, 08 3845 3869 để được tư vấn.