Theo giải thích của các nhà khoa học, khi mức đường huyết không thể kiểm soát có thể gây ảnh hưởng đến thận. Kết quả là thận không thể sản xuất đủ erythropoietin - một loại hormone giúp kích hoạt cơ thể sản xuất ra hồng huyết cầu.
Mệt mỏi, khó chịu... ở bệnh nhân tiểu đường có thể từ nguyên nhân thiếu máu. Ảnh minh họa: internet. |
Chức năng chính của hồng huyết cầu là vận chuyển oxy. Khi số lượng các hồng huyết cầu giảm, lượng oxy cung cấp tới các bộ phận trong cơ thể cũng sẽ ít đi, gây ra các triệu chứng của bệnh thiếu máu.
Bên cạnh đó, mức đường huyết cao ở bệnh nhân tiểu đường cũng gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh làm ức chế quá trình cơ thể sản xuất erythropoietin, dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu máu.
Không chỉ vậy, những người bị bệnh tiểu đường thường bị suy dinh dưỡng, vốn là nguyên nhân gây thiếu máu. Và những người bị tiểu đường típ 1 cũng thường phải đối diện với nguy cơ gia tăng các rối loạn tự miễn dịch như bệnh celiac (một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten) và thiếu máu ác tính (thiếu vitamin B12), dẫn đến sản lượng máu thấp.
Các nhà khoa học cho biết, để nhận biết tình trạng thiếu máu, ngoài các triệu chứng điển hình như cơ thế yếu ớt, mệt mỏi, người bệnh tiểu đường còn có các dấu hiệu khác đi kèm, như da xanh xao, đau ngực, khó chịu, tê và lạnh ở tay và chân, nhịp tim nhanh, khó thở và đau đầu.
Để ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu ở bệnh nhân tiểu đường, theo các chuyên gia, người bị tiểu đường phải luôn kiểm soát được mức đường huyết, huyết áp và ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt như rau muống, cải bó xôi, thịt bò… và vitamin C, đồng thời tránh cafein.