![]() |
Yếu tố di truyền và bệnh tim có liên quan mật thiết với nhau. Ảnh: Medical News Today. |
Các yếu tố lối sống như chế độ ăn uống và mức độ hoạt động thể chất ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim ở một người. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm béo phì, tiểu đường, huyết áp cao cũng đóng vai trò không nhỏ.
Ngoài ra, một người khỏe mạnh và có thể chất tốt cũng có thể mắc bệnh tim khi tiền sử trong gia đình có người mắc phải vấn đề về tim mạch.
Bệnh tim di truyền như thế nào?
Chia sẻ với tạp chí Health Martters, tiến sĩ Jessica Hennessey, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia (Mỹ), cho biết bệnh tim là sự kết hợp của các yếu tố môi trường và di truyền. Trong một số trường hợp, bệnh có thể di truyền khi một gene được truyền từ một hoặc cả hai cha mẹ.
Bạn có hàng triệu gene, và nếu một trong hai cha mẹ có một gene cụ thể gây bệnh tim, bạn có 50/50 cơ hội thừa hưởng gene đó. Cha mẹ có thể là hình mẫu phản ánh một phần về tương lai của con cái, theo quan điểm di truyền.
Một số loại bệnh tim có thể di truyền, bao gồm:
- Bệnh tim mạch vành: Tắc nghẽn ở các động mạch cung cấp máu cho tim
- Bệnh tim bẩm sinh: Khiếm khuyết tim có từ khi sinh ra
- Bệnh cơ tim: Chức năng tim bất thường mà không có nguyên nhân rõ ràng
- Cholesterol cao: cholesterol dư thừa (chất sáp cần thiết để tạo ra hormone, vitamin và tế bào), có thể làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám
- Rối loạn nhịp tim: Rối loạn nhịp tim bất thường
- Động mạch chủ giãn: Giãn động mạch chủ, mạch máu chính chịu trách nhiệm vận chuyển máu xuyên suốt cơ thể.
Làm gì khi gia đình có tiền sử mắc bệnh tim?
Theo Healthline, bạn không thể thay đổi tiền sử gia đình, nhưng có những yếu tố rủi ro có thể thay đổi được. Ví dụ, cholesterol cao hoặc huyết áp cao.
Nếu những người trong gia đình biểu hiện các triệu chứng cholesterol cao hoặc huyết áp cao ở độ tuổi 50, có khả năng điều đó cũng xảy ra với bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể thay đổi cho đến 50 tuổi.
Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng. Bạn có thể tuân thủ chế độ ăn ít cholesterol, chất béo và đường. Đối với việc tập thể dục, hãy vận động cơ thể 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần. Tốt nhất là bạn có thể trao đổi với bác sĩ tim mạch về những cách có thể thay đổi trong thói quen hàng ngày hoặc dùng thuốc sớm hơn để giảm thiểu rủi ro.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.