Trong những tuần vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TP.HCM không ngừng gia tăng. Một số trường hợp là trẻ em lẫn người lớn đã tử vong.
Trong khi số ca tay chân miệng tăng gấp 4 lần so với tháng trước, ngành y tế TP.HCM cũng dự đoán dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp.
TP.HCM phát hiện 53 ổ dịch sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tuần 18 (từ ngày 29/4 đến 5/5), thành phố ghi nhận thêm 680 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 341 ca nội trú và 339 ca ngoại trú), tăng 45,7% so với trung bình 4 tuần trước (467 ca).
Số ca nội trú tăng 16,6% và ngoại trú tăng 94,5%. Trong tuần ghi nhận một ca sốt xuất huyết tử vong tại huyện Củ Chi.
Tổng số ca mắc tích lũy đến tuần 18 là 6.176 ca (3.840 ca nội trú và 2.336 ca ngoại trú), tương đương với cùng kỳ năm 2021 là 6.177 ca. Số sốt xuất huyết tử vong tích lũy đến tuần 18 là 4 ca (gồm 2 trẻ em, 2 người lớn).
Bé trai mắc sốt xuất huyết mức độ nặng, được truyền dịch tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Bích Huệ. |
Những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 7 (quận 8), Tân Thới Nhất (quận 12), xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Bình Trị Đông (quận Bình Tân) và xã Đông Thạnh, Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn).
Đồng thời, toàn thành phố ghi nhận thêm 53 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 28 phường, xã thuộc 6/22 quận huyện, TP Thủ Đức; tăng 27 ổ dịch mới so với tuần 17. Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 18 là 269 ổ dịch. Các ổ dịch đã được xử lý phun hoá chất, diệt lăng quăng.
Số bệnh nhân tay chân miệng tăng hơn 136% so với tháng trước
Theo số liệu từ HCDC, trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 95% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi 1-5 tuổi.
Trong tuần 18, toàn thành phố có 420 ca tay chân miệng (gồm 378 ca bệnh ngoại trú, 42 ca nội trú), tăng 136,4% so với trung bình 4 tuần trước (55 ca).
Trong đó, số ca ngoại trú tăng 325,9% và nội trú tăng 75%. Số ca bệnh tăng ở cả nhóm bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Bé trai mắc bệnh tay chân miệng trong đợt bùng phát dịch năm 2020. Ảnh: Liêu Lãm |
Số ca mắc tích lũy đến tuần 18 là 936 ca, giảm 88,9% so với cùng kỳ 2021 (8.429 ca). Thành phố hiện không ghi nhận ca tử vong do bệnh tay chân miệng.
HCDC cảnh báo số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết địa phương, đặc biệt ở quận 12 (phường Hiệp Thành, Tân Thới Hiệp, Thới An), Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình (phường 15), khu vực 3 TP Thủ Đức.
Đợt dịch tay chân miệng gần nhất tại TP.HCM xảy ra vào năm 2020 với 16.361 ca mắc, không ghi nhận ca tử vong. Chủ yếu vẫn là xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học.
Nguyên nhân
Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận.
Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được thống kê. Với trường hợp tử vong, đa số được phát hiện và nhập viện trễ.
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết, một loại dịch bệnh đặc hữu của TP.HCM.
Móng tại công trình có nguy cơ chứa nước khi mưa xuống, nơi trú ẩn của trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: An Bình/HCDC. |
"Cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch thì dự báo năm nay, bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp và ngành y tế cần hành động ngay để hạn chế ca chuyển nặng và tử vong, không để xảy ra những ổ dịch lớn", thông tin từ HCDC nêu.
Sau khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường sau 2 năm gián đoạn do Covid-19, các chuyên gia dự đoán các dịch bệnh lưu hành thường niên tại TP.HCM như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay.
Do đó, phòng ngừa dịch bệnh ngay từ sớm là điều rất quan trọng, không để dịch bùng phát và nhất là không để gây tử vong.
Sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh.
Tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng tháng 3-5 và tháng 8-9 hàng năm.
Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.