Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh truyền nhiễm ở trẻ tăng, kể cả bệnh có vaccine dự phòng

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine cũng tăng số ca mắc gấp vài lần.

Các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số ca mắc gấp vài lần trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số ca mắc gấp vài lần.

Các bệnh tay chân miệng, sởi, ho gà... đều tăng gấp vài lần

Bộ Y tế cho biết tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà... được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, bệnh dại hiện cũng có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 4 đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A/H5N1, đây là trường hợp mắc thứ 2 kể từ năm 2014; đồng thời ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9N2.

Thống kê chi tiết số ca mắc tay chân miệng trên cả nước đến nay cho thấy đã có 13.746 trường hợp. Số liệu này tăng hơn 3.000 ca so với số liệu Bộ Y tế công bố trong cuộc họp phòng chống dịch trực tuyến toàn quốc ngày 10/4.

Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Điều này dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhưng công tác tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa hiệu quả...

Về bệnh dại, đến nay đã ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong; số mắc tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận.

Về dịch bệnh ho gà, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

Đẩy mạnh tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine cho trẻ

Theo Bộ Y tế, cao điểm du lịch hè 2024 sắp tới nhu cầu đi lại tăng cao, do đó Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng.

Xây dựng, trình HĐND ban hành định mức chi cho hoạt động y tế dự phòng để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Bố trí đầy đủ kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng từ nguồn kinh phí địa phương theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo đúng quy định.

Cùng đó chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.

Bộ Y tế yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.

Đối với bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...) cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.

"Tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch Covid-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (> 95%) trong cộng đồng", ông Đức nói và cho biết thêm trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong thời gian qua...

Benh truyen nhiem tang anh 1

Cán bộ trạm y tế xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chuẩn bị vaccine 5 trong 1 để tiêm miễn phí cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ảnh: Thái Bình/Sức khỏe&Đời sống.

Cung ứng vaccine cho Tiêm chủng mở rộng thế nào?

Về tình hình cung ứng vaccine năm 2024, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay từ đầu năm đã cung ứng 2 đợt, bao gồm 9 loại vaccine đáp ứng nhu cầu sử dụng trên toàn quốc đến hết tháng 4. Ngay sau khi được cung ứng vaccine, các địa phương đã triển khai tiêm bổ sung cho những trẻ chưa được tiêm chủng.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết Viện đã có quyết định phân bổ 500.000 liều vaccine 5 trong 1 (là vaccine phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) tới các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực trên cả nước từ ngày 16/4.

Sau khi nhận được số vaccine này, các Viện khu vực tổ chức điều phối và phân bổ vaccine theo nhu cầu của mỗi địa phương trong khu vực phụ trách.

"Số vaccine 5 trong 1 này được chuyển tới các địa phương để triển khai tiêm chủng thường xuyên và tiêm bù cho các bé chưa được tiêm chủng đầy đủ", PGS Dương Thị Hồng nói.

Bộ Y tế mới đây đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; các bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc; Hội dược học Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam đề nghị đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo chất lượng, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu; thuốc phòng chống dịch bệnh và thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa hè như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh

Trẻ con đứa nào chẳng ốm

Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, sốt khi tiêm phòng, gặp vấn đề tiêu hóa…

Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm

Ho kéo dài có thể là dấu hiệu trẻ mắc bệnh hô hấp, bệnh tiêu hoá, hóc dị vật, thậm chí bệnh lao.

https://suckhoedoisong.vn/benh-truyen-nhiem-o-tre-tang-ke-ca-benh-co-vaccine-du-phong-phai-day-manh-tiem-chung-16924042914013917.htm

Thái Bình / Sức Khỏe & Đời Sống

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm