Ai cũng dạy con cháu phải rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Chính ngành y tế hướng dẫn điều này, nhưng ở bệnh viện - nơi vi khuẩn ghê gớm hơn nhiều so với ở nhà - thì không phải lúc nào mọi người cũng có điều kiện rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
12h trưa một ngày đầu tháng 10, tại dãy nhà khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến cảnh cả trăm bệnh nhân và người nhà đang ăn trưa. Cả dãy phòng bệnh này chỉ có một phòng vệ sinh.
Ghé mắt qua khe cửa phòng vệ sinh, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi trong đó đang có gần 10 người vừa nam vừa nữ, người tiểu tiện, người rửa hộp đựng đồ ăn. Chúng tôi hỏi chị Lê Thị Mai, một người nuôi người nhà bệnh một tuần nay ở đây, rằng trong phòng vệ sinh có xà bông rửa tay không, chị bảo: “Làm gì có!”
Gai người, chóng mặt vì mùi hôi
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà Trần Thị Tâm (54 tuổi, ngụ Thái Nguyên) trông người nhà tại khoa ngoại cho biết lần nào vào nhà vệ sinh bà đều phải đeo khẩu trang, nhắm mắt nhắm mũi cho xong, thế mà lần nào đi ra cũng có cảm giác gai người, chóng mặt vì mùi hôi. “Cực chẳng đã tôi mới vào nhà vệ sinh, còn chuyện đánh răng, rửa mặt tôi đều làm ở khu vực ban công bệnh viện”, bà Tâm nói.
Nhân viên bệnh viện và người nhà bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội dọn dẹp nước ứ đọng từ khu nhà vệ sinh tràn ra hành lang. |
Cơ sở 1 Bệnh viện K (phố Quán Sứ, Hà Nội) được xây dựng từ nhiều năm trước nên có sự bất hợp lý trong việc bố trí khoa phòng.
Đặc biệt tại khu điều trị, mỗi tầng chỉ có hai khu vệ sinh nhỏ vài mét vuông bao gồm cả khu tắm, vệ sinh nhưng lại phục vụ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bệnh nhân và người nhà đến thăm nom khiến người này chờ đợi người kia mỗi khi có nhu cầu là chuyện thường ngày.
Mặc dù được cải tạo nhiều lần từ công trình cũ nhưng khu vệ sinh ở đây vẫn quá đơn giản đến mức thiếu thốn. Đừng nói là xà bông rửa tay mà ngay cả đến bồn cầu cũng có nhiều cái hỏng, giật không ra nước...
Thêm bất cập là khu vệ sinh này lại nằm sát phòng điều trị, chỉ cách những phòng bệnh một hành lang nhỏ. Do đó, bệnh nhân ở đây thường xuyên phải hít thở không khí hôi hám từ nhà vệ sinh, đặc biệt là vào những ngày thời tiết thay đổi, nồm trời.
Nhiều bệnh nhân nội trú cho hay do phòng bệnh quá chật hẹp, người bệnh thường xuyên phải nằm ghép, nằm tràn ra ngoài hành lang để truyền dịch, thậm chí phải nằm sát cửa nhà vệ sinh.
Mọi việc ăn uống cũng tập trung tại đây nên không ít cảnh người bệnh đưa miếng ăn lên miệng mà ói luôn vì mùi nhà vệ sinh xộc thẳng vào mũi, hoặc có khi gai người vì chợt nghe tiếng xối nước của người ở phía trong...
Ổ siêu vi trùng nguy hiểm...
Một bác sĩ từng có 20 năm công tác ở Bệnh viện Việt Đức cho hay mỗi ngày hàng ngàn người bệnh, người nhà tập trung tại đây, nhưng bệnh viện không có lấy một nhà vệ sinh công cộng!
Còn một cán bộ y tế cho biết: “Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm có 1 triệu lượt người khám bệnh ngoại trú. 1 triệu người khám tất có thêm 1 triệu người nhà đưa đi, trung bình mỗi người ở bệnh viện sáu giờ và đi vệ sinh ít nhất một lần thì phải có 2 triệu lượt vệ sinh đi bậy ra môi trường vì Bạch Mai cũng không có nhà vệ sinh công cộng!”.
ThS.BS Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng bệnh viện là nơi ngập tràn những loại vi khuẩn lây bệnh, đặc biệt những nơi như nhà vệ sinh bệnh viện được xem là ổ siêu vi trùng nguy hiểm gây ra vô vàn bệnh nguy hiểm.
Lý do là vì nơi này chứa chất thải của rất đông người bệnh. Đáng ra những nơi này phải được quan tâm và vệ sinh thường xuyên để tránh việc lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên trên thực tế nhà vệ sinh bệnh viện lại rất bẩn và chật chội, góp phần làm bẩn môi trường bệnh viện nói chung, gây hậu quả nhiễm trùng bệnh viện ở mức báo động, tỉ lệ nhiễm trùng sau mổ cũng ở mức cao...
Theo khuyến cáo gần đây của ngành y tế, dịch tiết của người bệnh liên quan đến nhiều căn bệnh, như bệnh Ebola cũng lây từ dịch tiết (nước tiểu, máu, dịch...) của người bệnh.
Bác sĩ Dương Đức Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, cho hay với số lượng bệnh nhân và người nhà đến bệnh viện đông như hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai dự kiến sẽ phải xây dựng năm nhà vệ sinh công cộng, nhưng vấn đề khó khăn là lấy kinh phí ở đâu để duy trì các nhà vệ sinh đó.
Bác sĩ Hùng cho rằng Nhà nước đã cho phép xã hội hóa máy móc, thiết bị y tế thì cũng có thể xã hội hóa nhà vệ sinh, cho phép thu phí để duy trì nhân công, cung cấp nước, xà bông... cho các khu vệ sinh công cộng trong bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường thì cho rằng để giải quyết được nỗi ám ảnh “nhà vệ sinh”, bệnh viện nên mở rộng thêm nhà vệ sinh, bổ sung nước rửa tay, xà bông để ngăn ngừa mầm bệnh có thể lây truyền qua bàn tay sang những nơi khác.
Chưa tính đến tình trạng bệnh viện quá tải
Nhu cầu được cung cấp dịch vụ nhà vệ sinh sạch, đảm bảo phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa, nhiễm trùng bệnh viện... là nhu cầu chính đáng.
Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện ở nước ta chỉ bố trí nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân (tính trên giường bệnh), mà chưa hề tính đến trường hợp bệnh viện quá tải và phục vụ người nhà bệnh nhân, trong khi bệnh viện lại chưa thể chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân và bắt buộc phải có người nhà bệnh nhân ở bệnh viện.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia ngành y tế cho rằng khi thiết kế bệnh viện mới phải tính đến nhu cầu nhà vệ sinh cho người nhà và bệnh nhân. Còn các bệnh viện cũ nên bổ sung các khu vệ sinh công cộng triển khai theo hình thức xã hội hóa.