Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm thế nào

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm vào tháng 5, 6, 7.

Bệnh nhi viêm não Nhật Bản tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, cho biết trong tháng 6 vừa qua, địa phương này ghi nhận một ca bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bé trai 4 tuổi, chưa được tiêm vaccine phòng bệnh trước đó.

Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương và có tỷ lệ không qua khỏi cao, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Đặc điểm của viêm não Nhật Bản

Theo bác sĩ Hồng, bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và không qua khỏi rất cao. Năm 1935, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên gây bệnh là một loại virus được đặt tên virus viêm não Nhật Bản.

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào tháng 5, 6, 7. Bệnh hay gặp vào mùa này vì đây là thời điểm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc, sau đó lây sang cho người.

Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Chúng được truyền sang người qua trung gian muỗi đốt (chủ yếu là muỗi Culex tritaeniorhynchus). Muỗi hút máu động vật bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản (thường từ lợn), đốt người và truyền virus sang cho người.

"Viêm não Nhật Bản thường khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn, cứng cổ, lú lẫn, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, loét, suy kiệt..." bác sĩ Hồng cho hay.

Tùy mức độ tổn thương não, bệnh viêm não Nhật Bản có thể để lại các di chứng nặng nề như liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, nghe kém hoặc điếc...

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Theo bác sĩ Hồng, để chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả mũi vaccine viêm não Nhật Bản. Đây chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả nhất.

viem nao Nhat Ban anh 1

Người dân đưa trẻ đến tiêm vaccine. Ảnh: CDC Đồng Nai.

"Chỉ khi tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được trẻ em và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có viêm não Nhật Bản", vị chuyên gia CDC Đồng Nai nói.

Vaccine viêm não Nhật Bản được triển khai tiêm chủng miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho các trường hợp là trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi tại tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bên cạnh tiêm vaccine, thực hiện tốt các biện pháp sau đây cũng góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng, bao gồm:

  • Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên để chuồng gia súc xa nhà.
  • Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi (sử dụng tinh dầu, vợt muỗi, chai xịt muỗi, nhang muỗi...).
  • Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (Nhà xuất bản Công Thương liên kết công ty Cổ phần Sách Thái Hà Books) tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Giải thưởng dự kiến trao vào đầu tháng 10.

Người dân TP.HCM khổ sở vì kiến ba khoang tấn công

Mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận 50-70 bệnh nhân đến khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm