Liên quan đến vụ việc anh Nguyễn Văn Thoại (sinh năm 1977, trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) tố nhà thuốc số 8, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bán thuốc rởm, sáng 10/4, lãnh đạo bệnh viện đã phản hồi với Zing.vn về vấn đề này.
Sẽ kỷ luật nhân viên nhà thuốc số 8
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay cơ quan này hiện có 9 nhà thuốc, đều do bệnh viện trực tiếp quản lý. Thuốc bán ra đến tay người sử dụng theo quy định của pháp luật, đảm bảo về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ.
Theo GS.TS Trần Nhân Thắng, Trưởng khoa Dược, khi nhận được phản hồi về việc viên thuốc con nhộng của bệnh nhân Thoại bị vỡ tách làm đôi, bệnh viện đã ngay lập tức tiến hành kiểm tra tất cả lô thuốc Provini 500 mg (loại thuốc anh Thoại phản ánh).
“Số thuốc của bệnh nhân Thoại chỉ bị vỡ một viên. Vỉ thuốc bệnh nhân cầm đến đã uống hết 6 viên, còn lại 4 viên, trong đó 1 viên thuốc bị gãy đôi rơi bột thuốc ra ngoài. Thực chất, thuốc con nhộng, khi bị vỡ, bột thuốc rơi ra như vậy chứng tỏ thuốc chất lượng tốt, nếu thuốc bị vón cục mới có vấn đề về chất lượng”, GS Thắng cho hay.
Viên thuốc duy nhất bị tách đôi vỏ trong vỉ thuốc bệnh nhân Thoại trả lại bệnh viện. Ảnh: Việt Linh. |
Về lý do bệnh nhân bức xúc, GS Thắng cho rằng vấn đề nằm ở việc giao tiếp giữa anh Thoại và nhân viên nhà thuốc. Các nhân viên này đã không báo cáo sớm sự việc với lãnh đạo, không khéo léo, linh động khi giải quyết với bệnh nhân.
"Chúng tôi sẽ báo cáo Ban giám đốc để rút kinh nghiệm về vấn đề này. Chúng tôi nhận trách nhiệm về phía nhân viên. Tôi đã chấn chỉnh nhiều, và sẽ tiếp tục chấn chỉnh, xử phạt các nhân viên này", GS Thắng chia sẻ.
Bệnh viện Bạch Mai không bán thuốc rởm
Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh từ Zing.vn, GS Trần Nhân Thắng đã yêu cầu kiểm tra tất cả lô thuốc này ở các nhà thuốc nằm trong hệ thống bệnh viện. Tuy nhiên, không có viên thuốc nào trong tình trạng tương tự. Bệnh viện khẳng định không bán thuốc kém chất lượng tới bệnh nhân.
Đại diện bệnh viện Bạch Mai nhận định nguyên nhân dẫn tới việc viên thuốc của bệnh nhân Thoại bị vỡ là do tác động cơ học trong quá vận chuyển, bảo quản.
“Để đảm bảo sự thận trọng, bệnh viện đã tạm dừng lưu hành loại thuốc Provini 500 mg ở tất cả nhà thuốc của bệnh viện đồng thời chủ động báo cáo về tình trạng của tất cả số thuốc còn trong kho về Bộ Y tế trước ngày 17/4”, Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền thông tin.
Về phía đơn vị cung ứng thuốc, Bệnh viện Bạch Mai đã có yêu cầu giải trình về vụ việc và kiểm nghiệm lại chất lượng của lô thuốc này.
GS Trần Nhân Thắng, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin về sự việc. Ảnh: Việt Linh. |
“Bệnh viện đã tiếp thu với tinh thần cầu thị, với trường hợp bệnh nhân Thoại, bệnh viện đã thu thuốc và hoàn tiền đối với bệnh nhân”, ông Hiền nói.
Về việc một số thông tin cho rằng thuốc bán trong nhà thuốc của Bệnh viện Bạch Mai đắt hơn bên ngoài, GS Thắng khẳng định: “Chúng tôi cam kết bán thuốc không đắt hơn bên ngoài. Nếu ai đó phát hiện cùng một loại thuốc, một lô thuốc mà bên ngoài bán giá rẻ hơn và báo lại cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ mời thanh tra đến kiểm tra, nếu thực sự bệnh viện bán đắt, người phát hiện sẽ được thưởng ít nhất 10 triệu, thậm chí lên 50 triệu. Bệnh viện đã từng xử phạt và thưởng cho những người phát hiện”.
Quy trình đổi trả thuốc chặt chẽ
Theo ông Hiền, về nguyên tắc thuốc là hàng hóa đặc biệt, khi sử dụng sẽ có những tác dụng không mong muốn, khi đó bệnh viện sẽ thu hồi theo chỉ định của thầy thuốc. Vì vậy, nếu dùng thuốc theo đơn, bệnh nhân gặp những tác dụng phụ không mong muốn bắt buộc phải gặp bác sĩ chỉ định để được tư vấn bỏ hoặc đổi thuốc. Những thuốc thu hồi nếu không được bệnh nhân bảo quản đúng quy chuẩn sẽ bị hủy.
“Tôi thường xuyên phải ký các văn bản hủy các loại thuốc thu hồi. Tuy nhiên, bệnh nhân trả lại thuốc phải có nguyên nhân. Hầu hết bệnh nhân của viện trả thuốc là do tác dụng không mong muốn. Bác sĩ phải xem xét để có y lệnh, chẳng hạn bệnh nhân có những tác dụng phụ như dị ứng, mẩn ngứa. Việc trả lại thuốc phải có quy trình chặt chẽ", Phó giám đốc bệnh viện nói.
Trao đổi thêm về quy trình trả lại thuốc, GS Thắng cho hay vấn đề này được quản lý chặt chẽ, trải qua nhiều bước với thời gian 5 ngày bệnh nhân mới được nhận lại tiền.
Ngày 8/4, theo phản ánh của anh Thoại, thuốc mua theo đơn tại Nhà thuốc số 8 của Bệnh viện Bạch Mai là hàng ngoại đắt tiền. Từ năm 2018, anh được bác sĩ chẩn đoán u gan máu, kê đơn gồm hai loại thuốc là Urdoc và Provini 500 mg.
Trong đó, thuốc Provini 500 mg là dạng viên nhộng.Thông thường, anh Thoại uống luôn nên không xảy ra vấn đề gì. Tuy nhiên, mới đây, anh đem thuốc lên cơ quan uống, khi bóc Provini 500 mg ra khỏi vỉ, viên thuốc bị nát, vữa.
Sau đó, người đàn ông này đã đem tới nhà thuốc số 8 trả lại. Tại đây, anh được hoàn lại tiền thuốc Provini 500 mg, còn Urdoc thì không được nhận lại.
Chiều 8/4, theo anh Thoại, vợ anh đã đến quầy thuốc số 8 để làm việc, nhưng tiếp tục bị làm khó. Cuối giờ chiều cùng ngày, chị đã nhận lại tiền sau khi trả thuốc.