Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viện dã chiến ở TP.HCM dùng robot để đưa cơm cho F0

Những chú robot có thể làm nhiệm vụ đưa cơm, thuốc, khử khuẩn và giúp các bác sĩ khám bệnh cho F0 qua màn hình.

Sau quá trình triển khai robot hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, nhóm cán bộ, nghiên cứu phát triển robot của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã triển khai robot hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại TP.HCM.

Robot có tên Vibot-2, được đưa vào khu điều trị Covid-19 do Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng) phụ trách tại Bệnh viện dã chiến số 7. Bệnh viện này có 16 tầng, đang điều trị 1.200 bệnh nhân.

Đại tá Trần Minh Vỹ, Trưởng đại diện phía Nam của Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho biết tại tâm dịch Bắc Giang, robot giúp vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm cho bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, chúng còn giúp nhân viên y tế theo dõi sức khỏe và giao tiếp từ xa với F0.

robot ho tro benh vien da chien anh 1

Robot đến tận phòng bệnh để đưa cơm, phát thuốc và khám bệnh cho F0 qua màn hình. Ảnh: An Quý.

Một chú Vibot có thể mang trên mình 60 kg vật dụng, thực phẩm, tương ứng khoảng 60 suất ăn, sức kéo là 100 kg.

"Khi đến cửa phòng, Vibot gọi tên để bệnh nhân ra nhận đồ hoặc giao tiếp trực tuyến với bác sĩ. Bệnh nhân có thể vẫy tay trước màn hình robot để báo cho chú biết họ đã lấy xong phần của mình và di chuyển tiếp", đại tá Vỹ cho biết.

Tại Bệnh viện dã chiến số 7, robot làm việc và phát cơm 3 buổi cho toàn bộ F0 và khung giờ sáng từ 7h đến 8h, trưa từ 11h đến 12h30 và chiều từ 16h30 đến 18h.

Ngoài ra, trên robot, nhóm nghiên cứu còn trang bị thêm màn hình theo dõi để kết nối hình ảnh, giọng nói từ xa giữa các y bác sĩ và bệnh nhân. Qua đó, bác sĩ có thể biết tình hình của bệnh nhân như hôm nay có ai sốt, ho... cũng như kiểm tra tình hình dùng thuốc của bệnh nhân.

Theo đại tá Vỹ, những chú robot sẽ hoạt động bền bỉ, hỗ trợ lực nhân viên y tế trong các bệnh viện dã chiến. Khi có robot Vibot-2, lượng công việc của các nhân viên tại khu vực chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng giảm đi rất nhiều.

Từ tháng 4/2020, robot thế hệ thứ nhất Vibot-1 được nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu sáng chế. Sau thời gian cải tiến, robot thế hệ thứ hai, Vibot-2, đã ra đời và hoạt động trong nhiều môi trường.

Từ tháng 5, robot bắt đầu hoạt động hỗ trợ các bác sĩ ở cơ sở số 2, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau đó, từ tháng 6, hai chú robot đã vào tâm dịch Bắc Giang để hỗ trợ các bác sĩ tuyến đầu trong chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Bác sĩ ở TP.HCM: 'Không thể để F0 chống chọi một mình'

Khu cách ly huyện Bình Chánh, TP.HCM, được ví như bệnh viện điều trị đa tầng. Bác sĩ, điều dưỡng phải chạy đua mỗi ngày để giành giật sự sống cho F0 đột ngột trở nặng.

Bác sĩ BV dã chiến ở TP.HCM: 'Nhiều F0 nhẹ nhưng bất ngờ khó thở'

Các F0 điều trị tại bệnh viện dã chiến đa số triệu chứng nhẹ hoặc không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của họ có thể bất ngờ chuyển biến xấu.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm