Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viện FV: Chẩn đoán sai vẫn điều trị đúng?

Theo các bác sĩ, thông cáo của Bệnh viện FV (TP.HCM) về vụ việc bệnh nhân tố bác sĩ cho uống thuốc phá thai khi đang mang bầu, có nhiều vấn đề về mặt chuyên môn.

Ngày 26/6, Zing.vn đã đưa tin về vụ việc Bệnh nhân tố bác sĩ Bệnh viện FV cho thuốc phá thai khi đang mang bầu. Cụ thể, bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Châu tố cáo bác sĩ tại Bệnh viện FV tắc trách trong khâu xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị khiến chị gặp tai biến băng huyết phải nhập viện cấp cứu.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân Châu đăng tải thông tin tình trạng sức khỏe của mình trên Facebook và nhận được nhiều chia sẻ. Phía Bệnh viện FV cũng liên tiếp đưa ra các thông cáo báo chí nhằm mục đích bảo vệ bệnh viện và bác sĩ.

Theo bác sĩ Lưu Văn Trường (tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM), xét trên góc độ chuyên môn, thông cáo báo chí của Bệnh viện FV còn nhiều vấn đề cần phải được làm rõ.

Bac si cho uong thuoc pha thai anh 1
 Đơn thuốc của bác sĩ Lê Thanh Hùng - Bệnh viện FV - kê cho bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Châu. Ảnh: FBNV

Que thử thai nhanh sáng âm tính, tối dương tính?

Hai lần xét nghiệm thử thai nhanh bằng que thử cho hai kết quả hoàn toàn trái ngược, sáng âm tính, tối dương tính là điều gây nhiều bức xúc nhất cho bệnh nhân Châu. Bởi lẽ, kết quả thử thai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lập luận của bác sĩ trong tư duy điều trị với bệnh nhân của mình.

Tuy nhiên, trong các thông cáo báo chí của Bệnh viện FV chỉ cho rằng kết quả xét nghiệm là “không thể chính xác 100%” mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích với sự không chính xác trong trường hợp cụ thể này, do con người hay do thiết bị hay do yếu tố nào khác nữa. Bệnh viện rõ ràng đã sai vì cùng một bệnh nhân, một tình trạng nhưng hai kết quả xét nghiệm hoàn toàn trái ngược.

Có thể khẳng định không có một kết quả cận lâm sàng nào chính xác 100% do rất nhiều nguyên nhân, mỗi xét nghiệm đều có sai số nhất định. Vấn đề chính ở đây là Bệnh viện FV không chấp nhận có sự sai sót và không thiện chí tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sai sót. Giá như trong các thông cáo báo chí, Bệnh viện FV “lấy làm tiếc vì sự sai lệch trong các xét nghiệm” gây hoang mang cho bệnh nhân và “mong nhận được cảm thông, chia sẻ” từ phía người bệnh thì mọi chuyện có thể đã đi theo hướng khác…

Dịch ứ và thai lưu có cùng biện pháp điều trị?

Các thông cáo báo chí của Bệnh viện FV đều khẳng định rằng dù kết quả thử thai là âm tính hay dương tính thì bệnh nhân Châu vẫn được điều trị theo một cách thức với Misoprostol để tống xuất dịch ứ (hoặc thai lưu) ra ngoài. Đây là một nhận định hoàn toàn thiếu căn cứ, bởi lẽ thai lưu có thể gây chảy máu không cầm được còn dịch ứ trong tử cung thì không.

Cách thức điều trị trên với dịch ứ được cho là phù hợp nhưng với thai lưu và điều trị ngoại trú là cực kỳ nguy hiểm. Cho dù bác sĩ đã dặn dò bệnh nhân trở lại bệnh viện nếu chảy máu nhiều thì việc cho bệnh nhân điều trị ngoại trú trong trường hợp này vẫn thể hiện sự “quá tự tin” của bác sĩ, bởi lẽ một bác sĩ sản khoa thừa biết hậu quả của băng huyết và sốc mất máu nguy hiểm tính mạng bệnh nhân như thế nào. Vấn đề ở đây là bác sĩ đã chẩn đoán sai. Một chẩn đoán sai không thể đưa ra một hướng điều trị đúng được.

Cũng cần phải phân tích thêm, khi siêu âm nghi ngờ dịch ứ trong tử cung, không có dấu hiệu của thai sống, tại sao bác sĩ không cho bệnh nhân làm xét nghiệm beta-HCG (hormone thai kỳ được tiết ra từ nhau thai) để định lượng hormone này trong máu, từ đó có nhận định chính xác hơn? Thiếu sót này do bác sĩ thiếu kinh nghiệm hay do quy trình của Bệnh viện FV?

Thiếu chứng cứ y khoa

Bệnh viện FV cho rằng hư thai “có thể do bệnh nhân dùng thuốc tránh thai khẩn cấp” từ trước. Quan điểm này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các thông cáo báo chí. Đây là chi tiết rất tế nhị vì ai cũng hiểu được lý do của việc uống thuốc ngừa thai khẩn cấp, bệnh viện không có quyền tiết lộ bí mật riêng tư của bệnh nhân theo Điều 8, Luật Khám chữa bệnh.

Đứng trên góc độ chuyên môn “hiện nay không có bằng chứng nào cho thấy thuốc ngừa thai khẩn cấp có thể gây sảy thai hoặc có những tác động xấu lên quá trình tăng trưởng và phát triển của thai đã được hình thành”, đây là thông tin trả lời của Bệnh viện Từ Dũ với một câu hỏi từ bệnh nhân, được đăng tải trên website của bệnh viện. Theo các dữ liệu, có thể bệnh nhân Châu đã bị hư thai trước khi đến khám và không phải Bệnh viện FV gây ra hư thai, tuy nhiên quan điểm thai hư do dùng thuốc tránh thai khẩn cấp là hoàn toàn thiếu căn cứ và bản thân bệnh viện cũng không nêu ra được chứng cứ y khoa nào cho phát ngôn của mình.

Mâu thuẫn trong nhận định chuyên môn

Mới đây nhất, ngày 26/6, Bệnh viện FV gửi thư cho bệnh nhân Châu nhằm tái khẳng định lập trường của mình trong sự cố y khoa nói trên, đồng thời giám đốc Bệnh viện FV nhắc lại nhiều lần việc bệnh nhân Châu cần sớm quay trở lại bệnh viện để tiến hành theo dõi và điều trị kịp thời nhằm tránh những tai biến tiếp theo có thể xảy ra.

Hiện Bệnh viện FV đã thật sự nhận thức được ca bệnh của chị Châu không đơn thuần là ứ dịch trong tử cung, có thể vẫn còn một phần thai hư bám vào sẹo mổ trong tử cung, đây là vùng dễ tổn thương nhất. Với các dữ liệu y khoa, có thể cho rằng nhận định chuyên môn của Bệnh viện FV vào thời điểm hiện tại là đầy đủ và chính xác. Điều đáng tiếc là sự nhận định, tiên lượng ca bệnh này không được đầy đủ và chính xác như khi bệnh nhân đến khám lần đầu.

Bệnh nhân tố bác sĩ Bệnh viện FV cho thuốc phá thai khi đang mang bầu

Trong một ngày đi khám tại Bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM), Châu nhận được hai kết quả khiến bệnh nhân này bất ngờ khi bác sĩ cho dùng que thử thai: Sáng âm tính, tối dương tính.

Vì sao que thử thai sáng cho kết quả âm tính, tối lại dương tính?

Que thử thai nhanh là công cụ hữu ích giúp chị em phụ nữ phát hiện sớm việc mang thai của mình, tuy nhiên không phải lúc nào kết quả thử nghiệm cũng đạt độ chính xác cao nhất.

Bài viết thể hiện quan điểm của bác sĩ

Minh Trường

Bạn có thể quan tâm