Một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong vòng 7 ngày (24/8-30/8), các bác sĩ khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), đã thực hiện liên tục 3 ca ghép gan, mỗi ca chỉ cách nhau 2 ngày.
"Cả 3 bệnh nhi đều bị teo đường mật bẩm sinh dẫn đến suy gan giai đoạn cuối. Dù được chỉ định ghép gan từ rất sớm, các bé đều phải chờ khoảng 6-12 tháng mới được phẫu thuật", TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, nói tại Buổi chia sẻ thông tin về chuỗi ca ghép tạng ngày 17/10.
Ca đầu tiên được ghép gan ngày 26/8 là bé T.Y. (7 tuổi, quê Bình Dương). Trước đó, bé nhiều lần nhập viện do xơ gan, đã có chỉ định ghép gan từ rất lâu và phải chờ 6-12 tháng để được phẫu thuật.
Trường hợp thứ 2 được thực hiện ngày 28/8 là bé P.Q. (2 tuổi, quê Hậu Giang). Bác sĩ Trí cho hay đây là ca bệnh đặc biệt do bé có vấn đề về tâm thần, vận động kèm tình trạng suy gan, xuất huyết tiêu hóa. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã phải hội chẩn với các giáo sư nước ngoài nhiều lần để đưa ra chỉ định cũng như quyết định thời gian phẫu thuật cho trẻ.
Trường hợp thứ 3 được thực ngày 30/8. Bé M.K. (3 tuổi, quê Gia Lai) nhiều lần nhập viện cấp cứu do xuất huyết tiêu hóa, được điều trị nâng đỡ để chờ ghép gan.
"Tính đến thời điểm hiện tại, cả 3 bé đều đã được xuất viện sau khi nhận gan ghép từ người thân, tình trạng sức khỏe ổn định", bác sĩ Trí cho hay.
Trẻ bị teo đường mật bẩm sinh trước khi ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chia sẻ thêm, bác sĩ Trần Thanh Trí cho hay để thực hiện được kỷ lục 3 ca ghép gan trong một tuần kể trên, bệnh viện đã phải chuẩn bị rất kỹ, từ mời chuyên gia đến sắp xếp nhân lực, cơ sở vật chất cũng như bệnh nhân.
Dù bệnh viện đã có những bước tiến nhất định, việc ghép gan cũng như ghép tạng không đơn giản. Một số bệnh nhi phải chuẩn bị sức khỏe cả năm, trải qua hội chẩn nhiều lần mới có thể được lên bàn phẫu thuật.
Điều đáng mừng là quy trình ghép gan tại bệnh viện có thể vận hành trơn tru. Nếu sau này có trường hợp phải ghép gan cấp cứu cho nhiều ca một tuần, bệnh viện vẫn có thể đáp ứng được vì đã có kinh nghiệm.
Giáo sư Raymond R.E. Reding từ Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) đến TP.HCM hỗ trợ ê-kíp ghép gan. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo ThS.BS Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện nay, khó khăn lớn nhất trong ghép tạng là thiếu nguồn tạng hiến. Các bệnh nhân nhận tạng hầu như từ người cho sống là người thân, rất ít trường hợp từ người cho chết não hoặc người cho tim ngừng đập.
Ngoài ra, đối với các bệnh nhân nhỏ tuổi, nguồn tạng hiến vẫn chỉ giới hạn ở nhóm người lớn do Việt Nam chưa có quy định nguồn tạng hiến từ người cho chết não là trẻ em. Điều này giới hạn không nhỏ nguồn tạng hiến cho các bệnh nhi có nhu cầu.
"Khi nguồn hiến phong phú, bảo hiểm chấp nhận chi trả tất cả chi phí liên quan, việc ghép tạng tại nước ta mới phát triển, từ đó nhiều bệnh nhân sẽ có cơ hội được cứu sống", bác sĩ Đức nhấn mạnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, cho biết trong vòng 15 năm đầu tiên, bệnh viện chỉ ghép được 13 ca. Từ năm 2021-2024, số ca được ghép gan là 28. Chỉ tính riêng tháng 8 vừa qua, bệnh viện thực hiện được 4 trường hợp.
Trong khi đó, tính đến tháng 10, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã ghép thận thành công cho 32 ca trong 20 năm qua. Số ca ghép tăng dần từ 20 ca trong 17 năm (2004-2021) lên 4 ca trong năm 2022 và 8 ca trong năm 2023 và 2024. Hiện số trẻ có chỉ định ghép thận tại bệnh viện là hơn 70 bé. Dự kiến mỗi năm ghép 6-8 ca.
Bác sĩ Trí cho hay thành tích hiện tại của bệnh viện dù đã là một bước tiến so với quãng thời gian trước đó những vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ghép gan rất lớn.
“Tôi rất mong chờ trung tâm ghép tạng sớm ngày khánh để đáp ứng điều kiện thực hiện phẫu thuật, trong bối cảnh ngày càng có nhiều trẻ có chỉ định ghép tạng”, bác sĩ Trí nói.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (Nhà xuất bản Công Thương liên kết công ty Cổ phần Sách Thái Hà Books) tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Giải thưởng dự kiến trao vào đầu tháng 10.