Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viện ở Hà Nội kín giường vì trẻ mắc bệnh đường hô hấp

Một ngày, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, phải điều trị 70-100 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp điều trị nội trú.

Các phòng tại khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đều đã kín giường. Ảnh: QT.

Bà Nguyễn Minh Xuyến (62 tuổi, Thái Bình) vào khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, chăm cháu ngoại vì bệnh viêm phổi. Bà rất lo lắng vì đây đã là ngày thứ 6 cháu gái phải nằm viện điều trị.

Một tháng đưa con đi khám 4 lần vì ho, sốt, tiêu chảy

Bà Xuyến cho hay trước đó, trẻ có dấu hiệu ho, sốt, mẹ bé đã đưa đi khám và được bác sĩ kê đơn điều trị tại nhà. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng nửa ngày, trẻ mệt nhiều, uể oải, gia đình cho bé đi khám lại tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và được nhập viện vì viêm phổi.

Đến nay, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định hơn. Trẻ chịu chơi và ăn uống tốt hơn những ngày trước đó.

Con trai 6 tháng tuổi của anh Thanh Hùng (37 tuổi, trú tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nằm cạnh giường với cháu gái bà Xuyến cũng gặp tình trạng tương tự. Anh Hùng cho biết trước đó, bé có dấu hiệu sốt, ho, chán ăn. Gia đình tự điều trị tại nhà vài ngày nhưng không khỏi nên đưa đến bệnh viện thăm khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi.

Ở giường bên, bà Mai Thị Thúy (66 tuổi, Hà Nội) vừa cho cháu gái 21 tháng tuổi xem điện thoại vừa kiểm tra xem cháu đã hạ sốt hay chưa. Bà Thúy chia sẻ thời gian gần đây, cháu bà liên tục ốm, phải nghỉ học thường xuyên.

"Cháu tôi đi học từ 10 tháng tuổi. Từ khi đi học, cháu rất hay ốm. Thời gian gần đây, cháu thường xuyên phải nhập viện điều trị. Cách đây vài ngày, khám tại cơ sở y tế khác, cháu được chẩn đoán viêm tai giữa và viêm đường hô hấp trên. Gia đình đã cho dùng thuốc theo đơn nhưng không đỡ. Đến khám tại đây, cháu được chẩn đoán lại là viêm phổi", bà Thúy cho hay.

Gần một tháng nay, chị Nguyễn Thị Phượng (32 tuổi, trú tại Nghệ An) phải thuê nhà trọ ở Hà Nội để chăm con trai 14 tháng tuổi. Cả mẹ và bé đều thể hiện rõ sự mệt mỏi trên gương mặt.

Benh vien kin giuong anh 1

Các phòng tại khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đều đã kín giường. Ảnh: Phương Anh.

"Trước khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, con tôi đã có 18 ngày điều trị nội trú ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Được ra viện chưa đầy một tuần, bé lại có dấu hiệu ốm, sốt trở lại, khó thở. Tôi vội cho con đi khám lại thì được chẩn đoán là viêm phổi và viêm tai giữa", chị Phương nói.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội, sảnh khoa Khám bệnh luôn trong tình trạng đông người chờ khám. Nhiều người từ các tỉnh đưa trẻ đến từ sớm để xếp hàng chờ khám.

Chị Lê Thị Tuyến (28 tuổi, trú tại Diễn Châu, Nghệ An) cùng con trai hơn một tuổi và mẹ chồng lên chuyến xe lúc nửa đêm để kịp tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh.

"5h, gia đình tôi đã đến bệnh viện để xếp hàng, chờ khám. Bệnh nhân đông, chúng tôi phải chờ tới gần 11h giờ mới tới lượt khám nên rất mệt mỏi. Con tôi bị tiêu chảy một tuần không khỏi, đã kiểm tra ở tuyến huyện nhưng không đỡ. Lo bé bị nặng hơn nên gia đình ra tận đây để khám lại cho yên tâm", chị Tuyến cho hay.

Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Nụ (quê Nam Định) bế con rong ruổi khắp các hành lang của bệnh viện để bé đỡ quấy khóc. Chị cho biết con ốm sốt dai dẳng, đã điều trị ở trạm y tế xã nhưng không đỡ.

Benh vien kin giuong anh 2

Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Phương Anh.

"Con tôi cứ đi học được vài ngày lại nghỉ ốm. Từ tháng 2 đến nay, tôi đã cho con đi khám 4 lần. Con mệt, bố mẹ cũng mệt vì con ốm dai dẳng, đi khám bệnh cũng rất tốn kém", chị Nụ tâm sự.

Trao đổi với Zing, TS.BS Cao Việt Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhi đến khám và điều trị tại cơ sở y tế này không tăng đột biến. Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 4.000 bệnh nhi/ngày. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi đến thăm khám bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa.

Bác sĩ Phan Thị Kim Dung, Phó trưởng khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết số trẻ nhập viện trong đợt này rất đông, hầu hết bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản cấp, thậm chí hen phế quản. Mỗi ngày, đơn vị này điều trị cho 70-100 bệnh nhi. Các phòng tại khoa Nhi Hô hấp đều đã kín giường.

Chú ý dấu hiệu bất thường

Theo bác sĩ Kim Dung, thời điểm này trẻ dễ mắc bệnh hơn do thời tiết giao mùa, nồm ẩm, nhiệt độ chênh lệch ngày-đêm lớn, nhiều loại dịch đang cùng lưu hành như cúm mùa, Adeno, sốt xuất huyết... Trẻ em có sức đề kháng còn yếu nên rất dễ mắc bệnh.

Các bệnh lý về đường hô hấp ở trẻ tiến triển khá nhanh. Trẻ có thể bị sốt cao, khó thở, suy hô hấp chỉ sau vài ngày mắc bệnh. Vì vậy, khi trẻ nhập viện, đa số bé đã ở tình trạng nặng.

Benh vien kin giuong anh 3

Bác sĩ Phan Thị Kim Dung thăm khám cho con chị Nguyễn Thị Phượng. Ảnh: Phương Anh.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh cách chăm sóc tại nhà của phụ huynh tác động khá nhiều đến việc trẻ tiến triển nặng nhanh. Ví dụ, nhiều cha mẹ có thói quen tự mua thuốc cho con uống không có chỉ dẫn của bác sĩ, hạ sốt không đúng cách, dùng thuốc chưa đúng liều. Đôi khi, cha mẹ thiếu kinh nghiệm nên không nhận ra những dấu hiệu bất thường ở trẻ để đưa con đi khám sớm.

"Tình huống này rơi nhiều nhất vào trẻ dưới 3 tháng tuổi, đặc biệt với bé bị viêm phổi hay các bệnh lý khác sẽ không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Các bé có thể không ho nhiều mà bắt đầu li bì, bú kém, sốt. Cha mẹ không phát hiện được sớm nên đến viện khi tình trạng của trẻ đã nặng", phó trưởng khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nói.

Theo bác sĩ Dung, khi trẻ có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, cha mẹ có thể tự điều trị triệu chứng tại nhà trong 2-3 ngày đầu tiên. Phụ huynh có thể hạ sốt cho con, dùng thuốc ho Đông y và làm sạch đường hô hấp bằng cách nhỏ nước muối sinh lý. Tuy nhiên, khi các bé có tiến triển xấu đi như ho nặng hơn, thở nhanh, mất nước, rút lõm lồng ngực, tiêu chảy quá nhiều, viêm kết mạc, cha mẹ phải cho con đến bệnh ngay.

"Nếu tiến triển thông thường, sốt, ho, chảy mũi sẽ tự giới hạn ở đường hô hấp trên. Một số trẻ biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, có thể tiến triển rất nhanh. Vì vậy, cha mẹ phải theo dõi sát và tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ", bác sĩ Dung khuyến cáo.

Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.

Mẹ mắc bệnh lây qua đường dục có lây truyền cho thai nhi?

Tôi đang mang thai ở tháng thứ 6. Gần đây, tôi thấy có hồng ban mụn nước, dấu hiệu của herpes sinh dục. Xin hỏi bệnh có thể lây truyền cho thai nhi không?

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm