Đây là thời điểm cuối mùa bệnh sởi nhưng số bệnh nhân tại TP.HCM lại tăng đột biến. Tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM những ngày này đang rơi vào tình trạng quá tải do số người mắc sởi nhập viện tăng mạnh. Đáng nói là đa số những ca bệnh đều không tiêm chủng hoặc tiêm vắc xin sởi không đủ mũi.
Trẻ em, người lớn, bà bầu nhập viện hàng loạt
Nếu trong tháng 8/2018 bệnh viện chỉ có một ca mắc sởi, con số này đang tăng lên nhanh chóng lên 119 ca trong tháng 11 và tháng cuối năm 2018 là 226 ca nhập viện. Hiện tại, bệnh viện này đã tiếp nhận 65 ca điều trị nội trú, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Dự báo số ca nhập viện do bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chị Lê Thị Tình (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang dỗ con nhỏ còn chưa dứt cơn quấy khóc băn khoăn cho biết người trong nhà và cả những người xung quanh gia đình chưa thấy ai mắc sởi, cháu lại bị mắc bệnh nên không biết có bị lây cho người nhà không vì chị cũng không biết nguồn lây từ đâu.
Chị Lê Thị Tình băn khoăn không biết con bị lây sởi từ đâu. |
“Mới đầu thấy bé sốt cao đến 40 độ C, ho sổ mũi và phát ban, khi đi khám thì bác sĩ vẫn chưa kết luận sởi, 2 ngày sau lên Bệnh viện Nhiệt đới thì phát hiện cháu chuyển qua sởi, cháu mới 8 tháng tuổi nên chưa tiêm phòng sởi được”, chị Tình nói.
Không chỉ có phụ nữ và trẻ em, ngay cả nhiều nam giới cũng mắc bệnh sởi. Chị Nguyễn Thị Lệ (29 tuổi, quê Ninh Thuận) cho biết chồng chị là anh V.K đi làm về thấy nóng sốt cao, sau đó nổi ban đỏ, chị phải nhờ người thân chăm đứa con 5 tháng tuổi để vào TP.HCM vì anh V.K phải viện để điều trị bệnh sởi biến chứng nặng.
“Vào viện mới thấy bệnh sởi ghê quá, không chỉ có trẻ em bị mà có cả người lớn, đàn ông, bà bầu gì cũng mắc bệnh hết”, chị Lệ nói.
Không chỉ có trẻ em, bà bầu, nhiều nam giới cũng nhập viện vì bệnh sởi |
Người lớn thường chủ quan trong lúc chăm con nên cuối cùng cũng nhập viện do bệnh sởi cùng con mình. Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 3 gia đình lây bệnh sởi cho nhau rồi vào đây điều trị cùng lúc.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi
BSCKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, khuyến cáo 2019 là năm chu kỳ dịch sởi sau 4 năm bùng phát vào 2014. Do đó, người dân không chủ quan khi người bên cạnh mắc bệnh sởi.
Bệnh nhân trong 3-4 ngày đầu phát hiện bệnh có thể điều trị ngoại trú và theo dõi cách ly tại nhà. Gia đình khi có người thân mắc sởi, cả nhà nên mang khẩu trang y tế khi tiếp xúc, rửa tay, chân sạch sẽ và bổ sung vitamin C.
“Bệnh nhân tuần đầu phát ban nên hạn chế đường và tiếp xúc với người ngoài để tránh lây lan và chỉ nên nhập viện điều trị khi có biến chứng”, bác sĩ Hoa nói.
Sởi là siêu vi của đường hô hấp, triệu chứng ban đầu nghi mắc bệnh thường là sốt, đau họng, ho khan, sổ mũi, mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, sổ mũi, mắt mũi tèm nhem, mệt mỏi. 3-4 ngày tiếp, bệnh nhân sẽ có biểu hiện như mặt bị nổi ban đỏ và lan nhanh xuống ngực, lưng và tay chân.
“Những gia đình có người thân có dấu hiệu này nên đưa đến bệnh viện khám để để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị, phòng ngừa biến chứng", BS Hoa khuyến cáo.
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tuần đầu tiên của năm 2019, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca nào. Hiện, 24/24 quận, huyện đều phát hiện ca bệnh sởi, các quận có nhiều ca bệnh là: Thủ Đức, 8, 12 và Bình Tân.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng ghi nhận số ca nhập viện do bệnh sởi vẫn trên đà tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2018, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 400 trường hợp mắc sởi, riêng tháng 12/2018 là 150 trường hợp. Hiện tại, BV Nhi đồng 1 đang điều trị nội trú cho 31 trẻ và có 4 trường hợp trẻ biến chứng nặng, phải thở máy.