Bài viết do anh H., chồng sản phụ Q.A. (28 tuổi), đăng tải trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý lớn với hàng chục nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Trong đó, anh bày tỏ bức xúc về quá trình chăm sóc y tế tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cho rằng sự tắc trách của bác sĩ suýt khiến vợ anh gặp nguy hiểm, em bé sinh non cũng không qua khỏi.
Khả năng điều trị, cứu em bé rất mong manh
Trao đổi với Tri Thức - Znews sáng 22/2, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bày tỏ sự đồng cảm với gia đình sản phụ trước mất mát lớn này. Ông nhấn mạnh đây là điều không ai mong muốn và khó có gì bù đắp được.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban giám đốc bệnh viện đã tổ chức họp với lãnh đạo khoa, hội đồng chuyên môn và kíp trực trong những ngày liên quan. Sau khi xem xét hồ sơ bệnh án và quy trình tiếp nhận, điều trị, bệnh viện nhận định kíp trực đã tuân thủ đúng quy trình và có giải thích rõ với sản phụ về tình trạng bệnh ngay từ đầu.
Theo bác sĩ Ánh, ngay khi tiếp nhận, bác sĩ trực đã tiên lượng đây là một ca khó, do sản phụ dọa sinh non ở tuần thai 25, kèm theo tình trạng rỉ ối.
"Một khi đã dọa đẻ non, kèm theo rỉ ối và ra máu ổ bụng, việc cứu thai là rất khó khăn", ông nói.
Việc điều trị tuân theo phác đồ, trong đó, bác sĩ đã chỉ định dùng loại thuốc cắt cơn co hiệu quả nhất. Tuy nhiên, do đây là thai kỳ sau thụ tinh trong ống nghiệm, gia đình có tâm lý lo lắng, mong muốn có sự can thiệp nhiều hơn. Trong khi đó, theo bác sĩ Ánh, hạn chế tác động là cách điều trị phù hợp với trường hợp này.
![]() |
Hình ảnh người chồng chia sẻ trên mạng xã hội ở khoa Hồi sức sơ sinh. Ảnh: FBNV. |
Trong hồ sơ bệnh án các bác sĩ trực đã tiên lượng tình huống xấu, thông tin bác sĩ nói "tất cả đều bình thường" là không đúng. Ông giải thích, với những trường hợp dọa đẻ rất non, nguy cơ nhiễm trùng cao do nước ối rỉ kéo dài, tiên lượng luôn được cân nhắc kỹ. Khi bác sĩ nói tình trạng "bình thường", tức là không có dấu hiệu cần can thiệp ngay, chứ không có nghĩa là bệnh nhân không có nguy cơ.
Sau đó, bệnh nhân yêu cầu được xuất viện và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Do rỉ ối nhiều ngày, em bé mất vào tuần thứ 25, khi nặng 700-800 gram. Theo thông tin bệnh viện nắm được, người bệnh muốn chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vì nghe tin bệnh viện có truyền ối khi bị rỉ ối.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Ánh, việc truyền ối không thể giải quyết được vấn đề trong ca này, vì thai nhi còn quá nhỏ, phổi chưa trưởng thành.
"Bác sĩ nào cũng mong muốn cứu bệnh nhân, đặc biệt là những ca khó. Nhưng với trường hợp rỉ ối kèm theo ra máu, khả năng điều trị thành công rất mong manh", ông nói.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã báo cáo nhanh với Bộ Y tế và sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo chi tiết để gửi đến cấp quản lý.
Lời kể của gia đình sản phụ
Theo lời anh H., ngày 27/1, thai phụ Q.A. (28 tuổi) được khâu vòng cổ tử cung do ngắn cổ tử cung khi thai 20 tuần. Đến tuần 24, chị có dấu hiệu đau bụng và nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Bắc Giang, được chẩn đoán có cơn đau chuyển dạ nhưng chưa sinh và được chỉ định điều trị nội trú.
Tuy nhiên, cơn đau không thuyên giảm, ngày 30/1, chị được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tối 31/1, thai phụ đau quằn quại mỗi 5 phút, gia đình liên hệ phòng cấp cứu và được bác sĩ tư vấn truyền thuốc Tractocile. Gia đình đồng ý, chị A. được truyền 9 ống trong 2 ngày với chi phí 22 triệu đồng.
Ngày 3/2, bác sĩ thăm khám và thông báo thai phụ Q.A. ổn định, dự kiến có thể xuất viện sau 1-2 ngày theo dõi. Tuy nhiên, tối cùng ngày, chị tiếp tục đau dữ dội, ra nhiều dịch nhầy lẫn máu hồng.
"Tôi phải thanh toán tiền thuốc ngay trong đêm để truyền Tractocile", anh H. chia sẻ.
Sáng 4/2, bác sĩ nhận thấy thai phụ vẫn đang truyền Tractocile nhưng cho rằng tình trạng chưa đến mức cần sử dụng loại thuốc này do chi phí cao. Bác sĩ từ chối thăm khám, chỉ định chuyển sang thuốc ngậm sau khi gia đình giải thích đây là quyết định của bác sĩ trực trước đó.
Trong đêm, thai phụ tiếp tục đau, có dịch chảy ra nhiều, ướt ga giường, phải đóng bỉm. Người chồng nghi ngờ vợ vỡ ối, lập tức tìm bác sĩ. Sau thăm khám, bác sĩ kết luận đây chỉ là khí hư và yêu cầu tiếp tục theo dõi. Đến sáng 5/2, chị A. ra nhiều máu, bác sĩ nghi rỉ ối và chỉ định xét nghiệm. Lo lắng cho sức khỏe của vợ và con, gia đình quyết định xin chuyển viện tự nguyện.
Chiều 6/2, khi đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thai phụ A. được chẩn đoán cạn ối, nước ối đục, nguy cơ hỏng tử cung nếu đến muộn hơn. Sau cấp cứu, người mẹ qua cơn nguy kịch nhưng em bé sinh non phải nằm lồng kính, truyền kháng sinh. Đến sáng 20/2, bé không qua khỏi.
Chị Q.A. bày tỏ nỗi đau khi mất con, cho rằng đã tin tưởng nhầm bác sĩ, dẫn đến cảnh mẹ con chia lìa. Chị cũng lên tiếng chỉ trích sự tắc trách của các bác sĩ trong những đêm trực tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bài viết của anh H. đã bị gỡ khỏi Facebook.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.