Bệnh “xác sống” - hay còn gọi là hội chứng Cotard - khiến con người đánh mất lý trí, hành động một cách vô hồn, luôn có cảm giác như một phần cơ thể mình đã biến mất hoặc đơn giản là bản thân mình không còn sống.
Phải ghé nghĩa trang để gặp người chết
Năm nay 17 tuổi nhưng Haley Smith đã có thể kể lại việc mình đã “chết” như thế nào. Mọi chuyện bắt đầu sau khi cha mẹ cô ly hôn. Buồn chán, cô nữ sinh không thể nào tập trung tinh thần để học tập. Một hôm, khi đang giữa giờ học, Haley bỗng cảm thấy bên trong cơ thể mình âm ỉ “những cảm giác rất kỳ lạ”. Cô lên khu bệnh xá của trường nhưng các y tá tại đây không phát hiện ra dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe nên cho cô ra về.
Tuy nhiên, đối với Haley đây mới chỉ là những biểu hiện ban đầu của hội chứng Cotard. Cô nhớ lại: “Trên đường từ trường về nhà, tôi loáng thoáng trong đầu là mình sẽ phải ghé qua một nghĩa trang để gặp gỡ những người đã chết tại đó”.
Mừng rỡ khi trông thấy những hồn ma hiện hình
Những cảm giác phải ghé nghĩa trang lại xuất hiện trở lại mấy ngày sau đó, khi Haley đang mua hàng trong một cửa hiệu quần áo. “Cả cơ thể tôi tê cứng, hai bàn tay tôi bủn rủn khiến tôi đánh rơi tất cả chiếc váy mà tôi đang cầm. Thế là tôi vội vã chạy lao ra khỏi cửa hàng. Lúc đó tôi có cảm giác là mình đang điên dại” - Haley kể.
Trong suốt ba năm sau đó, Haley thật sự nghĩ mình “đã chết”. Cô không đi học, ban ngày ngủ, ban đêm thức. Cô cho biết: “Suốt thời gian đó tôi luôn sống trong ảo giác là mình thường được đi cắm trại trong các nghĩa trang và tôi thường xuyên xem các bộ phim kinh dị bởi vì khi nhìn thấy các hồn ma trong phim thì tôi nhẹ người hẳn ra, như thể là lúc đó tôi đang sống quây quần trong gia đình cùng cha mẹ tôi vậy”.
Cảm giác các cơ quan nội tạng đang bị thối rữa
Hội chứng Cotard đã được bác sĩ chuyên khoa thần kinh và tâm thần người Pháp tên là Jules Cotard (1840-1889) phát hiện vào thế kỷ 19, năm 1880 nhưng bệnh này rất hiếm gặp trong cộng đồng. Bệnh có thể dẫn đến tử vong vì một số bệnh nhân nghĩ rằng mình không cần phải ăn uống gì nữa nên họ bị chết đói.
Căn bệnh khởi phát trong bối cảnh đối tượng rơi vào trạng thái lo âu trầm cảm nặng và thường gặp ở người cao tuổi, nhất là ở phụ nữ. Bệnh có thể được biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Người bệnh trước hết có thể “chối bỏ sự tồn tại của các cơ quan nội tạng trong cơ thể mình”. Đó là “tâm lý phủ định mang tính ám ảnh và mê sảng về cơ thể mà mình đang có cũng như cuộc đời mà mình đang sống”. Trong trường hợp này, từ trong suy nghĩ bệnh nhân quả quyết rằng các cơ quan sống trong cơ thể họ không còn tồn tại hoặc như là chúng đang bị phân hủy đi từng ngày một.
Bệnh nhân cũng có thể bị rối loạn về ảo giác thị giác. Họ nhìn mình trong gương nhưng không thấy mình. Đây không phải là vấn đề về “thị giác” của mắt mà là vấn đề về “cảm nhận thị giác” của não.
Do đó bệnh nhân sống như một người đã chết đồng thời xem như mình không thể chết. Bệnh nhân có thể tự có suy nghĩ là mình là một người bất tử, rằng mọi người chung quanh sẽ chết, trừ mình.
Vì thế bệnh nhân cũng có thể tự “bỏ mặc” cơ thể mình, không ăn, không uống, không tắm rửa. Họ cũng có thể không còn ý thức được về cơ thể của mìnhậu quả vô cùng khó lường.
Cô Haley Smith (trái) mắc bệnh “xác sống” trong suốt ba năm liền, nay đang bình phục và tìm được hạnh phúc bên người bạn trai Jeremy. |
Những liệu pháp chữa trị đậm chất… nghệ thuật
Tất cả bệnh nhân của “xác sống” đều cần được theo dõi tâm lý chặt chẽ và thường xuyên, cần được hỗ trợ điều trị tích cực từ bên ngoài. Các bác sĩ ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của liệu pháp tâm lý. Theo đó, mối quan hệ thân thiện và thông cảm từ những người xung quanh sẽ là tiền đề cho quá trình điều trị thành công. Đặc biệt, những buổi đi dạo hoặc xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật đem lại kết quả điều trị bất ngờ.
Trở lại với trường hợp cô nữ sinh Haley Smith, một ngày nọ cô bỗng thấy mình có đủ nghị lực và can đảm nói ra tình trạng bệnh của mình với một bạn nam. Chính người bạn này đã động viên để cô tiếp tục có can đảm đến tìm gặp cha của mình và kể ra câu chuyện.
Haley Smith đã phải mất hai năm mới quyết định tìm đến bác sĩ và bác sĩ ngay lập tức chẩn đoán cô bị hội chứng Cotard. Sau khi được điều trị đúng hướng, bệnh của cô đã thuyên giảm nhanh chóng. Cô mừng vui khi nhớ lại: “Lúc đó tôi rất hạnh phúc vì thấy mình không còn đơn độc trong cuộc sống nữa”.
Hiện nay Haley đang trong giai đoạn hồi phục hoàn toàn nhờ vào các liệu pháp của bác sĩ và nhờ vào các bộ phim của Walt Disney: “Khi tôi xem các bộ phim hoạt hình đó, tôi cảm thấy thật ấm áp, thật an ủi trong lòng. Tôi đã nói với bạn trai của tôi là tôi không thể nào chết được, bởi vì xem các bộ phim này thì thích quá. Tôi đã xem tất cả”.
Haley Smith đang ấp ủ hai dự định lớn, đó là lập gia đình với Jeremy - bạn trai cô và xin vào làm việc tại Disney World.
Nữ phóng viên Erika Hayasaki đã từng đến một bệnh viện tâm thần tại thủ đô Mexico để tiếp xúc với các bệnh nhân mắc bệnh “xác sống”. Cô viết: “Tôi đã gặp những người thật sự đang còn sống mà như là đã chết. Tim của họ vẫn đập và mạch vẫn nhảy nhưng họ lại phủ nhận sự tồn tại của họ trên cõi đời này, họ không nhìn nhận các chức năng sống trong cơ thể họ, của các cơ quan nội tạng và bộ não. Họ nghĩ rằng cái “tôi” của họ đã bị tách riêng ra đâu đó”.
Cô kể câu chuyện về ông Rafael Hernández, 76 tuổi và vợ ông, bà Gisela. Bà Gisela tâm sự bà đã quen ông Rafael khi bà chỉ mới 15 tuổi. Khi đó, thuở còn trai tráng ông là một người đầy nhiệt huyết và đam mê, luôn có chí vươn lên, sau này ông đã học xong thạc sĩ kỹ sư hóa học và lấy tiếp bằng tiến sĩ về kinh tế. Nhưng rồi một ngày ông Rafael lại bỗng dưng mất hết năng lượng trong cuộc sống.
Ông Rafael nói đến chuyện ông không còn có cảm giác gì nữa trên đời này. Ông than phiền rằng mình bị mất hai quả thận và các cơ quan khác trong cơ thể không hoạt động nữa. Vợ ông hỏi: “Hay là ông bị đau dạ dày?”. Ông trả lời rằng ông không có dạ dày.
Trong ngày lễ tưởng nhớ những người thân đã mất tại Mexico, ông Rafael bỗng hỏi mọi người rằng vì sao ông không thấy di ảnh của ông trên bàn thờ và muốn mình được nhận những phần ăn dành để cúng người chết.