Nguyên nhân
Theo Webmd, có khoảng 20% em bé ở độ tuổi 3 tuần đến 3 tháng tuổi khóc dạ đề. Mặc dù có nhiều nghiên cứu khoa học, hiện tượng này vẫn là một bí ẩn. Các chuyên gia cho biết đây không phải là kết quả của di truyền hay bất thường gì xảy ra trong quá trình mang thai hay phát triển của bé. Một số giả thiết được đưa ra nhằm giải thích việc này:
Dị ứng thức ăn: Trẻ không dung nạp với protein hoặc lactose trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Một số bé bú mẹ có thể dị ứng với một số món ăn trong khẩu phần của mẹ.
Trào ngược: Một số bé hay ợ trớ, ăn kém và thường khó chịu trong hoặc sau khi ăn. Đây là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày, thực quản, xảy ra ở em bé khi cơ thắt tại thực quản chưa hoạt động hiệu quả.
Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Khi mới sinh, tiêu hóa được các loại thức ăn, thậm chí là sữa mẹ, cũng là một nhiệm vụ khó khăn cho bé. Thức ăn có thể đi rất nhanh qua ruột mà không được tiêu hóa hoàn toàn, gây sinh khí, khiến bé bị đau. Bé khóc mỗi khi xì hơi, đau bụng.
Mẫn cảm với môi trường bên ngoài: Các chuyên gia giải thích rằng, bé sơ sinh có khả năng tự xây dựng một cơ chế bảo vệ, không tiếp nhận nhiều âm thanh và áng sáng ở môi trường xung quanh. Khi bé bị tiếp nhận quá nhiều kích thích từ bên ngoài, bé sẽ khó chịu, khóc cho tới khi thích nghi với chúng.
Cách điều trị
Không có một phương pháp nhất định nào để làm dịu cơn khóc dạ đề. Điều quan trọng khi dỗ bé, các mẹ luôn giữ bình tĩnh và tâm lý thoải mái. Nếu trẻ khóc, bạn cần phải biết chắc rằng trẻ không bị đói. Để trẻ ngưng hoặc đỡ khóc các mẹ có thể làm một số cách sau:
Thay đổi chế độ ăn
- Khi bé bú sữa mẹ, bạn không nên tiêu thụ các loại thực phẩm gây dị ứng protein trong sữa mẹ như cà phê, trà, sữa, đậu nành, tôm, cua, cam, quýt, hành tây, cà chua...
- Nếu bé bú sữa công thức, bạn nên thay đổi loại sữa khác hoặc giảm bớt lượng sữa bé bú hàng ngày.
Thay đổi kích thích cảm giác
- Nên giữ trong phòng tối, thoáng đãng, yên tĩnh để trẻ được nghỉ ngơi.
- Quấn giữ ấm cho bé gọn gàng trong một tấm chăn.
- Ẵm trẻ trên tay, địu trẻ hoặc mang trẻ ở phía trước.
- Cho trẻ vào xe đẩy.
- Cho trẻ tắm nước ấm.
- Massage bụng cho trẻ.
- Cho bé ngậm núm vú giả.
- Tạo âm thanh nền: Một tiếng động nhẹ nhẹ lặp đi lặp lại sẽ giúp trấn an khi bé cáu kỉnh. Đó có thể là tiếng tủ lạnh hoặc tiếng quạt đều đều hoặc nhạc êm dịu.
Nên gọi cho bác sĩ nếu bạn thấy bé có các triệu chứng sau:
- Tiêu chảy, đặc biệt trẻ đi ra máu
- Bỏ ăn
- Bị sốt cao
- Nôn trớ
- Ngủ ít hoặc nhiều hơn bình thường