Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí ẩn vị sếp cũ Samsung bị nghi ăn cắp công nghệ, đem sang Trung Quốc

Vị cựu giám đốc điều hành của Samsung Electronics từng có một sự nghiệp lẫy lừng ở quê nhà Hàn Quốc, trước khi bị buộc tội ăn cắp công nghệ, tuồn sang Trung Quốc.

Cựu giám đốc điều hành của Samsung Electronics bị cáo buộc cố gắng xây dựng một nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc "sao y bản chính" của Samsung. Ảnh: Reuters.

Ngày 12/6, một chuyên gia chip 65 tuổi đã bị công tố viên Hàn Quốc truy tố và giam giữ với cáo buộc vi phạm luật pháp nước này về bảo vệ công nghệ công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh. Sáu người Hàn Quốc khác cũng phải đối mặt với cáo buộc tương tự.

Ở Hàn Quốc, công tố viên thường không nêu tên các cá nhân hoặc công ty do luật bảo vệ quyền riêng tư.

Nhưng nguồn thạo tin tiết lộ với Wall Street Journal rằng chuyên gia chip bị bắt giữ mang họ Choi. Họ nói ông Choi từng giành được nhiều giải thưởng nội bộ tại Samsung Electronics, lãnh đạo công ty chip SK Hynix và được chính phủ phong tặng danh hiệu cho những đóng góp xuất sắc trong ngành.

Bị buộc tội ăn cắp thiết kế

Theo bản cáo trạng ngày 12/6, ông Choi đã nỗ lực xây dựng một nhà máy bán dẫn ở Tây An, Trung Quốc bằng cách sử dụng trái phép các bản thiết kế của Samsung Electronics và các bí mật công nghệ khác.

Ông Choi đã thỏa thuận với một công ty Đài Loan để nhận khoản đầu tư khoảng 8.000 tỷ won, tương đương 6,2 tỷ USD. Khoản tiền này nhằm tài trợ cho nhà máy ở Tây An và thu hút hơn 200 công nhân bán dẫn từ Hàn Quốc bằng khoản lương thưởng khổng lồ.

Nguồn tin thân cận cho biết nhà đầu tư đó được xác định là Tập đoàn Công nghệ Foxconn.

Tuy nhiên, thỏa thuận sau đó đã thất bại và do thiếu đầu tư nên cơ sở sản xuất chip đã không được xây dựng, nguồn tin cho biết.

Việc thành lập một nhà máy bán dẫn như vậy ở Tây An có thể giúp Trung Quốc thành lập công ty nội địa lớn sản xuất chip bộ nhớ. Chip bộ nhớ là một trong những sản phẩm công nghệ phổ biến nhất và hiện là thị trường do Hàn Quốc và Mỹ thống trị.

Theo các công tố viên, ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc có thể sẽ phải trải qua “tác hại không thể khắc phục được” nếu nhà máy ở Tây An sử dụng thiết kế và công nghệ của Samsung, để rồi sản xuất ra những con chip có chất lượng tương tự Samsung.

chip Samsung Han Quoc anh 1

Công nhân kiểm tra sản phẩm tại một nhà sản xuất chất bán dẫn ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press.

Nỗi lo rò rỉ công nghệ

Theo dữ liệu thương mại của chính phủ, chất bán dẫn chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Hàn Quốc. Seoul coi chip là thiết yếu đối với chủ quyền, an ninh và kinh tế của đất nước.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt để giành ưu thế trong lĩnh vực bán dẫn, Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, đã phải khéo léo "đi dây thăng bằng" giữa 2 cường quốc.

Một mặt, Hàn Quốc tham gia vào các nỗ lực do Washington dẫn đầu nhằm xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ và sáng kiến ​​kinh tế loại trừ Trung Quốc. Mặt khác, Seoul vẫn duy trì lập trường thận trọng với các biện pháp của Mỹ nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh với Trung Quốc.

chip Samsung Han Quoc anh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến đến thăm khu phức hợp bán dẫn của Samsung Electronics ở Pyeongtaek, Hàn Quốc vào năm 2022. Ảnh: Press Pool.

Rò rỉ công nghệ của Hàn Quốc ra nước ngoài, bao gồm Trung Quốc, đang là mối lo ngại ngày càng tăng với giới doanh nghiệp và hoạch định chính sách. Những tháng gần đây, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã đề xuất luật bổ sung các hình phạt khắc nghiệt hơn đối với hành vi rò rỉ công nghệ.

Bà Emily Weinstein, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi cho biết sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo với nhiều nước, chứ không chỉ Hàn Quốc.

"Khi các công nghệ trở nên khó được mua lại từ nước ngoài hơn, chính phủ Trung Quốc đã và có thể tiếp tục tăng cường nỗ lực nhằm thu hút nhân tài đến Trung Quốc”, bà Weinstein cho biết.

Sự nghiệp lẫy lừng ở quê nhà

Ông Choi là một chuyên gia chất bán dẫn nổi tiếng của Hàn Quốc. Trong thế hệ của ông, Hàn Quốc từ một công xưởng sản xuất chip máy tính đã trở thành một trong những nước thống trị thị trường chip toàn cầu.

Ông Choi đã làm việc tại Samsung Electronics và SK Hynix - 2 nhà sản xuất chip lớn nhất Hàn Quốc - trong tổng cộng 28 năm và từng là giám đốc điều hành của cả 2.

Tại Samsung Electronics, ông nhận được nhiều giải thưởng của công ty, trong đó có một giải thưởng cho công trình sản xuất chất bán dẫn thế hệ tương lai. Ông rời công ty vào năm 2001.

Choi cũng được biết đến là nhân vật đóng góp vào sự phát triển của SK Hynix. Với kinh nghiệm điều hành của mình, ông đã giúp công ty vượt qua khủng hoảng tài chính những năm 2000.

Năm 2009, ông Choi được chính phủ Hàn Quốc trao tặng được Huân chương Dịch vụ Công nghiệp vì những đóng góp của ông trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất chip.

chip Samsung Han Quoc anh 3

Các công nhân của Samsung Electronics tại cơ sở sản xuất chip của công ty ở Hwaseong, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Thành lập công ty ở Trung Quốc

Trước khi bị truy tố, danh tiếng của ông Choi đang trên đà đi lên trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Năm 2018, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông cho biết thứ mà Trung Quốc thiếu về chip là công nghệ chứ không phải vốn.

Năm 2019, ông Choi thành lập một công ty có trụ sở tại Trung Quốc tên là Zhenxin Beijing Semiconductor.

Được dẫn dắt bởi Choi, Zhenxin đã đồng đăng ký với Viện Vi điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc để xin hàng trăm bằng sáng chế liên quan đến sản xuất chất bán dẫn. Viện Vi điện tử là trọng tâm trong nỗ lực quốc gia của Trung Quốc nhằm phát triển công nghệ chip một cách tự lực.

Ngoài Zhenxin Beijing Semiconductor, Choi còn thành lập một công ty khác có tên là Chengdu Gaozhen Technology, theo hồ sơ của công ty tại Trung Quốc. Các công tố viên Hàn Quốc cho biết đây là một công ty “liên doanh với thành phố Thành Đô của Trung Quốc".

Được biết, công ty này đã hoàn thành xây dựng một cơ sở nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn vào năm 2020 và bắt đầu sản xuất thử nghiệm trong năm nay.

Cuốn sách giải mã 'hiện tượng' Hàn Quốc

Mục Kinh tế quốc tế giới thiệu cuốn sách Giải mã Hàn Quốc sành điệu (The Birth of Korean Cool). Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện và quan sát của Euny Hong, hiện đã là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, về cách một quốc gia vươn lên dẫn đầu toàn cầu về kinh tế, công nghệ, giáo dục và pop culture (văn hóa đại chúng).

Độc giả có thể đọc sách tại đây.

Liên minh kinh tế khiến G7 dè chừng

Khối BRICS đang nỗ lực khẳng định vị thế đại diện của nhóm các nước đang phát triển - còn gọi là nhóm Nam bán cầu - nhằm cung cấp "một mô hình thay thế cho G7".

Xu hướng săn lùng các khoản đầu tư không in dấu Trung Quốc

Các công ty quản lý đầu tư cho biết khách hàng của họ lo ngại về căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung và mức tăng trưởng dưới trung bình của nền kinh tế Trung Quốc.

Lê Ngọc

Bạn có thể quan tâm