Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị bỏ đói trong show sinh tồn, thí sinh giết thịt động vật quý hiếm

Thí sinh biết việc ăn thịt chim Weka là vi phạm pháp luật, nhưng anh nói rằng không thể làm khác khi bị bỏ đói và đẩy vào tình cảnh tuyệt vọng trong chương trình.

Spencer Corry Jones bắt và ăn thịt chim Weka khi bị show sinh tồn bỏ đói.

Spencer Corry Jones, hướng dẫn viên người Mỹ, đã giết và ăn thịt một con Weka - loài chim không biết bay - trong quá trình quay phim Race to Survive: New Zealand vào mùa thu năm ngoái, CNN đưa tin hôm 23/7.

Weka, được liệt kê trong sách đỏ, là một trong những loài đang bị đe dọa theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Tại New Zealand, tội giết một con Weka có thể bị phạt tù lên tới 2 năm hoặc phạt tiền gần 60.000 USD.

Biết nhưng vẫn ăn

Theo USA Network, đơn vị phát sóng chương trình, Race to Survive gồm 9 đội, mỗi đội gồm 2 thí sinh tham gia cuộc đua dài 250 km trên địa hình khắc nghiệt của New Zealand. Trong cuộc đua này, các thí sinh phải tự tìm kiếm thức ăn và nước uống để tranh giải thưởng trị giá 500.000 USD.

Trong một đoạn clip từ chương trình, Jones đã xin lỗi và nói rằng anh biết việc ăn thịt Weka là vi phạm pháp luật, nhưng không thể làm khác khi quá đói và bị đẩy vào tình cảnh tuyệt vọng. Jones và đồng đội Oliver Dev đã bị loại sau vụ việc.

Bộ Bảo tồn New Zealand cho biết sau cuộc điều tra, họ đã gửi cảnh cáo bằng văn bản tới Jones và các nhà sản xuất chương trình, nhưng chưa đưa ra biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.

show sinh ton anh 1

Weka là loài chim được bảo vệ trên đất liền New Zealand.

Dylan Swain, trưởng nhóm điều tra, cho biết: "Do hoàn cảnh đặc biệt này - các thành viên đoàn làm phim đều mệt mỏi và đói cồn cào, trong một tình huống bất thường của nhóm - nên chúng tôi cảm thấy việc gửi thư cảnh cáo là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc giết và ăn thịt một loài bản địa được bảo vệ trong tình huống này là không thể chấp nhận được và công ty đang 'lưu ý' những người tham gia chương trình của mình phải tuân thủ luật bảo tồn".

Weka có tính cách "nổi tiếng là hung dữ, tò mò" và được biết đến với tiếng kêu "coo-et" lớn. Hai chú chim thường kêu cùng nhau, trong đó con đực sẽ đảm nhiệm phần trầm hơn, chậm hơn. "Mọi người thường nghe tiếng nhưng ít khi thấy Weka", bài đăng trên trang web của bộ cho hay.

Trước đây, loài chim này từng phân bố rộng rãi, nhưng hiện nay quần thể của chúng dao động tùy thuộc vào điều kiện thức ăn. Sự suy giảm số lượng chim khiến pháp luật New Zealand phải đưa ra biện pháp bảo vệ trên đất liền. Việc săn bắt Weka vẫn là hợp pháp ở một số hòn đảo xung quanh đất nước này.

Những bê bối khác

Swain cho biết các nhà sản xuất của Race to Survive đã có giấy phép quay phim và biết những loài động thực vật nào được bảo vệ, không được phép ăn. Trong một tuyên bố, đoàn làm phim Race to Survive cho biết đã thông báo với chính quyền ngay khi biết về sự cố Weka.

Race to Survive không phải chương trình sinh tồn duy nhất bị chỉ trích vì giết thịt động vật được bảo vệ.

show sinh ton anh 2

Diễn viên Lee Yeol-eum bị chỉ trích vì bắt và ăn thịt động vật quý hiếm ở Thái Lan.

Năm 2019, chương trình truyền hình thực tế Law Of The Jungle của Hàn Quốc đã gây phẫn nộ tại Thái Lan khi một trong những thí sinh, diễn viên Lee Yeol-eum, đã lặn xuống đáy biển trong Công viên quốc gia Hat Chao Mai và bắt 3 con trai khổng lồ (tên khoa học là tridacna gigas) để chế biến các món ăn.

Loài trai lớn nhất thế giới này là động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng và được bảo vệ tại Thái Lan. Sau khi tập phim ghi lại hành động của Lee được phát sóng, khán giả Thái Lan đã rất bức xúc. Các quan chức tại Công viên quốc gia Hat Chao Mai đã có hành động pháp lý đối với những cá nhân liên quan đến vụ việc sau đó.

Một năm sau, các thí sinh của Law Of The Jungle tiếp tục bị chỉ trích vì bắt cá ngừ mắt to trên một hòn đảo ở phía tây Thái Bình Dương. Các thành viên đoàn làm phim đã làm thịt con cá ngừ - thái lát sống, hun khói và xiên nướng. Theo Liên đoàn Phong trào Môi trường Hàn Quốc, đây là hành vi săn trộm không thể chấp nhận được vì cá ngừ mắt to cũng là loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ.

Loại thực phẩm bổ sung bị điều tra sau 80 ca tử vong ở Nhật Bản

Hai lãnh đạo cấp cao của Kobayashi Pharmaceutical từ chức khi hàng chục trường hợp tử vong có khả năng liên quan đến một loại thực phẩm bổ sung do công ty này sản xuất.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm